Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt giảm

(ĐTCK) Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau quyết định tăng lãi suất của Fed và dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ khiến cả chứng khoán, giá vàng và dầu thô đều giảm trong phiên thứ Năm.

Sau khi giữ bình tĩnh trong phiên thứ Tư sau quyết định giảm lãi suất của Fed bất chấp lạm phát thấp và dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tỏ ra hoang mang khi bước vào phiên thứ Năm.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt giảm mạnh, Dow Jones mất hơn 100 điểm, chỉ số Nasdaq cũng giảm tới gần 1,4%, S&P 500 cũng giảm gần 0,8%. Nhóm cổ phiếu công nghệ, hàng tiêu dùng, tài chính, năng lượng cùng đồng loạt giảm. Tuy nhiên sau đó, phố Wall đã dần phục hồi, hãm bớt đã giảm và đóng cửa phiên giao dịch thứ Năm chỉ còn mức giảm khiêm tốn nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích và bất động sản.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 14,66 điểm (-0,07%), xuống 21.359,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,46 điểm (-0,22%), xuống 2.432,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 29,39 điểm (-0,47%), xuống 6.165,50 điểm.

Tương tự, việc giá dầu thô tiếp tục sụt giảm, cùng tâm lý ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất, giảm lượng nắm giữ trái phiếu của Fed đưa ra trước đó khiến chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Năm, với biên độ giảm mạnh hơn chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 55,04 điểm (-0,74%), xuống 7.419,36 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 114,14 điểm (-0,89%), xuống 12.691,81 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,41 điểm (-0,50%), xuống 5.216,88 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Fed tăng lãi suất bất chấp nền kinh tế Mỹ kém khả quan và lạm phát thấp đã gây tác động tiêu cực lên tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á.

Việc Fed tăng lãi suất thông thường sẽ khiến đồng USD tăng, tuy nhiên với việc cơ quan này đưa ra thông báo giảm khối lượng trái phiếu nắm giữ, cùng với dữ liệu kinh tế yếu kém và khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump bị điều tra vì gây cản trở công lý, khiến đồng yên tăng so với đồng USD, đẩy chứng khoán Nhật Bản giảm điểm.

Chứng khoán Hồng Kông thậm chí còn giảm mạnh hơn nhiều, xuống mức thấp nhất 3 tháng do cả việc Fed tăng lãi suất và lo ngại tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 51,70 điểm (-0,26%), xuống 19.831,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 310,56 điểm (-1,20%), xuống 25.565,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,81 điểm (+0,06%), lên 3.132,49 điểm.

Bất chấp những rủi ro gia tăng từ việc dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém và Tổng thống Trump có thể bị điều tra, nhưng giá vàng vẫn không thể lấy lại đà tăng, mà tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm khi đồng USD tăng lên mức cao nhất 2 tuần, gây áp lực lên các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có vàng.

Kết thúc phiên 15/6, giá vàng giao ngay giảm 6,4 USD (-0,51%), xuống 1.253,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 7,9 USD/ounce (-0,63%), xuống 1.254,6 USD/ounce.

Lo ngại về nguồn cung toàn cầu gia tăng, giá dầu thô tiếp tục sụt giảm trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 6 tháng. Ngoài lo ngại về nguồn cùng, việc đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần cũng tác động tiêu cực tới giá dầu.

Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,27 USD/thùng (-0,60%), xuống 44,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,17%), xuống 46,92 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục