Đặc biệt, sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của FED được công bố với việc cơ quan này sẽ tiếp tục giảm bớt gói kích thích kinh tế (QE3) 10 tỷ USD trừ khi có sự khó khăn đột ngột của nền kinh tế.
Quyết định này không có gì mới so với những thông tin được giới truyền thông lan đi trước đó, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng, với những dữ liệu kinh tế không mấy tích cực hiện nay, FED sẽ xem xét lại kế hoạch cắt giảm gói QE3 của mình.
Vì vậy, ngay sau khi biên bản này được công bố, hoạt động bán tháo đã diễn ra vào cuối phiên, kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm, chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài 8 phiên liên tiếp của Nasdaq.
Ngoài FED, những thông tin về kinh tế vừa được công bố cũng như bồi thêm khiến Phố Wall “nockout” vào những phút cuối phiên.
Theo dữ liệu được công bố trong phiên, chỉ số xây dựng giá nhà ở của Mỹ trong tháng 1 có mức giảm mạnh nhất trong 3 năm. Chỉ số giá sản xuất điều chỉnh theo mùa tăng 0,2% cho thấy không có áp lực lạm phát lên nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Dow Jones giảm 89,84 điểm (-0,56%), xuống 16.040,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,01 điểm (-0,65%), xuống 1.828,75 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,83 điểm (-0,82%), xuống 4.237,95 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu giao dịch dưới mức tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch ngày 19/2. Tuy nhiên, những phút cuối phiên, chứng khoán châu Âu dần phục hồi nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu bluechip sau những thông tin tích cực liên quan đến các doanh nghiệp này như tăng cổ tức, thêm tín dụng để mở rộng chuỗi siêu thị… Dù vậy, đến khi gần đóng cửa phiên, biên bản cuộc họp của FED được công bố khiến các chỉ số chứng khoán châu Âu quay đầu trở lại và kết thúc phiên gần như không đổi.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 0,28 điểm (+0,00%), lên 6796,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 0,27 điểm (+0,00%), lên 9.660,05 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 10,39 điểm (+0,24%), lên 4.341,10 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản sau khi tăng mạnh, lên mức cao nhất 2,5 tuần đã chịu áp lực chốt lời, nên quay đầu giảm trở lại trong phiên 19/2. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông duy trì đà tăng khá, còn chứng khoán Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ khi giới đầu tư kỳ vọng về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc sắp được công bố sẽ khả quan.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 76,71 điểm (-0,52%), xuống 14.766,53 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 76,80 điểm (+0,34%), lên 22.664,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 23,49 điểm (+1,11%), lên 2.142,55 điểm.
Cũng giống như chứng khoán, giá vàng bất ngờ lao mạnh cuối phiên trước hoạt động bán tháo xảy ra trên diện rộng sau khi biên bản cuộc họp tháng 1 của FED được công bố. Nếu kế hoạch cắt giảm gói QE3 được FED quyết thực hiện, dòng tiền đầu cơ sẽ bị giảm bớt và gây áp lực lên các thị trường như chứng khoán, hàng hóa, trong đó có thị trường vàng.
Kết thúc phiên 19/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 11,4 USD (-0,86%), xuống 1.310,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 4,6 USD (-0,35%), xuống 1.320,4 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lên cao nhất 4 tháng trong phiên giao dịch ngày 19/2 do ảnh hưởng của thời tiết lạnh và tiếp tục tăng cường vào tuần tới. Kết thúc phiên 19/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,88 USD (+0,85%), lên 103,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,01 (+0,01%), lên 110,47 USD/thùng.