Trong ngày thứ Tư, Fed đã công bố biên bản cuộc họp tháng 5 của cơ quan này (cuộc họp diễn ra ngày 2-3/5). Theo biên bản cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng, mức tăng lãi suất sẽ sơm diễn ra. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, nên giữ lãi suất cho đến khi biết chắc rằng tình trạng sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý I chỉ là tạm thời.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sau khi biên bản cuộc họp của Fed công bố, nhưng sau đó đã dần phục hồi, chỉ số S&P tài chính chỉ còn giảm 0,04% khi chốt phiên. Các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất của Fed.
Sau biên bản cuộc họp này, dự đoán về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 đã giảm xuống còn 46% so với mức 50% trong cuộc thăm dò hôm thứ Ba. Trong lịch sử, chưa khi nào Fed tăng lãi suất khi mà kỳ vọng thị trường dưới 50%.
Với kỳ vọng Fed tăng lãi suất giảm sau biên bản cuộc họp này, phố Wall đã có phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong ngày thứ Tư, trong đó chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 24/5, chỉ số Dow Jones tăng 74,51 điểm (+0,36%), lên 21.012,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,97 điểm (+0,25%), lên 2.404,39 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 24,31 điểm (+0,40%), lên 6.163,02 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dường như chứng khoán Anh và phần còn lại không muốn đi chung một đường. Trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Anh hồi phục trở lại sau phiên giảm nhẹ trước đó, thì chứng khoán Đức và Pháp cùng đảo chiều giảm sau phiên hồi phục hôm thứ Ba.
Trong phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt, nhưng cổ phiếu Deutsche Bank lại giảm sau khi các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Mỹ yêu cầu nhà bang này cung cấp thông tin về bất kỳ tài khoản nào liên quan đến Tổng thống Donald Trump có quan hệ với Nga. Nhóm cổ phiếu ô tô cũng giảm sau khi nhà hãng Daimler AG bị các công tố viên Đức kiểm tra về khí thải hôm thứ Ba. Cổ phiếu của hãng ô tô Fiat Chrysler cũng giảm sau khi bị Chính phủ Mỹ kiện.
Kết thúc phiên 24/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 29,61 điểm (+0,40%), lên 7.514,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 16,28 điểm (-0,13%), xuống 12.642,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 6,82 điểm (-0,13%), xuống 5.341,34 điểm.
Trên thị trường châu Á, ngay khi nhận thấy chứng khoán Âu, Mỹ không phản ứng với vụ nổ tại thành phố Manchester (Anh), trong khi đồng yên giảm khá mạnh, chứng khoán Nhật Bản đã nhanh chóng hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 1 tuần.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc gần như miễn nhiễm với thông tin Trung Quốc bị Moody’s hạ bậc xếp hạng nợ.
Cụ thể, Moody's hạ bậc xếp hạng tín dụng đầu tư trong nước và ngoại tệ của Trung Quốc vào thứ Tư từ mức Aa3 xuống A1 và phát đi thông điệp rằng sức mạnh tài chính của Trung Quốc sẽ sụt giảm trong những năm tới khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và nợ vẫn tiếp tục tăng.
Sau thông tin, chứng khoán Trung Quốc chủ yếu dao động dưới tham chiếu, nhưng về cuối phiên, với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu phòng thủ và nhóm cổ phiếu nhỏ, chỉ số Shanghai Composite đã hồi phục và đóng cửa với sắc xanh nhạt. Chứng khoán Hồng Kông vẫn đang hưởng lợi từ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục.
Kết thúc phiên 24/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 129,70 điểm (+0,66%), lên 19.742,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 25,35 điểm (+0,10%), lên 25.428,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,13 điểm (+0,07%), lên 3.064,08 điểm.
Biên bản cuộc họp của Fed cũng giúp giới đầu tư trên thị trường vàng giải tỏa tâm lý, qua đó giúp giá kim loại quý hồi mạnh trở lại, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 24/5, giá vàng giao ngay tăng 7,9 USD (+0,63%), lên 1.258,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,4 USD (-0,19%), xuống 1.253,1 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, nhiều thông tin tác động đến giá dầu được công bố trong ngày thứ Tư. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước có tuần giảm thứ 7 liên tiếp với mức giảm 4,4 triệu thùng, mạnh hơn nhiều mức dự báo 2,4 triệu thùng của giới phân tích, xuống mức 516,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Điều này cho thấy nỗ lực giảm sản lượng của OPEC đã phát phần nào phát huy tác dụng.
Kho dự trữ dầu thô tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma cũng giảm 741.000 thùng trong tuần trước.
Tuy nhiên, cũng theo EIA, kho dự trữ dầu tinh chế tăng 159.000 thùng/ngày trong tuần trước, lên mức 17.281 triệu thùng, mức cao thứ 2 trong lịch sử kể từ khi cơ quan này thu thập dữ liệu vào năm 1982. Mức kỷ lục là 17.285 triệu thùng được xác lập hồi cuối tháng 4.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 9,32 triệu thùng/ngày từ mức 9,301 triệu thùng/ngày và nhập khẩu cũng tăng nhẹ 165.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, kho dự trữ xăng giảm 787.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 1,2 triệu thùng của giới phân tích. Các sản phẩm chưng cất cũng chỉ giảm 485.000 thùng, thấp hơn mức lù vọng là giảm 743.000 thùng.
Dữ liệu này được đưa ra một ngày trước cuộc họp của OPEC và Nga để bàn về thỏa thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng. Theo một số thông tin, thời gian gia hạn có thể là 9 tháng và thậm chí, phương án bất ngờ là 12 tháng cũng đã được đặt ra.
Sau dữ liệu của EIA, giá dầu tăng nhanh, nhưng cũng rất nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại khi lên mức cao nhất kể từ 19/4.
Kết thúc phiên 24/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,11 USD/thùng (-0,21%), xuống 51,36 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD (-0,35%), xuống 53,96 USD/thùng.