Như đã đưa tin, thị trường tuần này đối mặt với nhiều rủi ro về địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên, cũng như cuộc khủng hoảng chính trị tại Washington liên quan đến thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu cựu Giám đốc FBI Jame Comey ngừng cuộc điều tra nhắm với ông Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia liên quan đến mối quan hệ với Nga. Tiếp đến là biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed.
Tuy nhiên, những nỗi lo trên chưa tới khi cuộc điều trần của ông Comey trước Quốc hội chưa diễn ra, còn biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed thứ Tư mới công bố, nên hiện thị trường cứ tận hưởng những thông tin tích cực từ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Trong chuyến thăm Ả Rập Xê út của người đứng đầu Nhà trắng, nhiều hợp đồng với tổng trị giá cả trăm tỷ đô về công nghệ và vũ khí đã được ký kết giữa, giúp nhóm cổ phiếu công nghệ và quốc phòng tăng vọt trong phiên đầu tuần mới.
Ngoài ra, việc giá dầu thô tiếp tục tăng giá lên mức cao mới trong hơn 1 tháng tiếp tục giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng, cũng góp phần giúp phố Wall duy trì đà tăng tốt trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones tăng 88,99 điểm (+0,43%), lên 20.894,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,29 điểm (+0,52%), lên 2.394,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,92 điểm (+0,82%), lên 6.133,62 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc đồng euro lên mức 6 tháng đã khiến nhóm cổ phiếu xuất khẩu của khu vực giảm mạnh, khiến chứng khoán Đức và Pháp không duy trì được đà tăng. Trong khi chứng khoán Anh vẫn có được sắc xanh tốt trong phiên đầu tuần mới. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu giảm cũng còn do lo ngại về chính trị tại Tây Ban Nha khi đảng Xã hội hôm Chủ nhật đã chọn ông Pedro Sanchez tiếp tục làm lãnh đạo đảng này.
Kết thúc phiên 22/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,63 điểm (+0,34%), lên 7.496,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 19,23 điểm (-0,15%), xuống 12.619,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,52 điểm (-0,03%), xuống 5.222,88 điểm.
Cùng với việc đồng USD yếu và diễn biến tích cực của chứng khoán Âu, Mỹ phiên cuối tuần trước, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Đáng chú ý, cổ phiếu của Soft Bank Group tăng mạnh hơn 2% sau thông tin huy động hơn 93 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại và lên lại mức cao nhất 22 tháng cũng nhờ tâm lý tích cực với phiên tăng điểm trước đó của phố Wall. Ngoài ra, dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục cũng là lý do giúp sàn chứng khoán này tăng mạnh thời gian qua. Theo thống kê, lượng mua ròng của nhà đầu tư đại lục thông qua kết nối sàn Hồng Kông - Thượng Hải trong tuần qua đạt tới 2,2 tỷ đô la Hồng Kông, mức cao nhất 8 tuần.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc địa lục vẫn tiếp tục giảm điểm trong phiên đầu tuần mới do những lo ngại về nền kinh tế khi GDP trong quý II của Trung Quốc dự báo tăng 6,8%, thấp hơn 0,1% so với quý I.
Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 87,52 điểm (+0,45%), lên 19.678,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 216,47 điểm (+0,86%), lên 25.391,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,96 điểm (-0,48%), xuống 3.075,68 điểm.
Việc đồng USD giảm trước mối lo về khủng hoảng chính trị tại Mỹ tiếp tục tiếp sức cho giá vàng tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 22/5, giá vàng giao ngay tăng 4,8 USD (+0,38%), lên 1.260,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 7,8 USD (+0,62%), lên 1.2561,4 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng trong ngày đầu tuần mới khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng, các nhà sản xuất lớn sẽ đồng ý mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Vào thứ Năm tuần này (25/5), OPEC và Nga sẽ nhóm họp để bàn về thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày trong 6-9 tháng nữa.
Trước cuộc họp với Nga, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khaild al-Falih đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Iran hôm thứ Hai, trong nỗ lực mới nhất của nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC và cũng là hàng đầu thế giới để thuyết phục các thành viên OPEC mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng nữa để hạn chế nguồn cung.
Kết thúc phiên 22/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,40 USD/thùng (+0,80%), lên 50,73 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,26 USD (+0,49%), lên 53,87 USD/thùng.