Chứng khoán duy trì đà tăng, giá vàng và dầu thô có tuần tồi tệ

(ĐTCK) Dữ liệu lao động khả quan của Mỹ được công bố đã tạo động lực để chứng khoán tăng điểm trong phiên cuối tuần để duy trì đà tăng trong tuần đầu tháng 5. Trong khi đó, dù hồi phục, nhưng giá dầu thô và giá vàng không tránh khỏi giao dịch tồi tệ.
Chứng khoán duy trì đà tăng, giá vàng và dầu thô có tuần tồi tệ

Theo báo cáo được công bố hôm thứ Sáu tuần trước của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 211.000 việc làm, sau khi có thêm 79.000 việc làm trong tháng 3. Con số vừa công bố cao hơn nhiều con số dự báo là 185.000 việc làm.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm xuống mức 4,4%, mức thấp nhất trong 10 năm cho thấy thị trường lao động vững chắc và củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng tới.

Dữ liệu mới, cùng với việc dầu thô hồi phục trở lại đã giúp phố Wall duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần qua. Trong đó, Dow Jones lần nữa chinh phục ngưỡng 21.000 điểm, còn S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Dow Jones tăng 55,47 điểm (+0,26%), lên 21.006,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,77 điểm (+0,41%), lên 2.399,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,42 điểm (+0,42%), lên 6.075,34 điểm.

Phố Wall có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với chỉ số Dow Jones tăng 0,32%, S&P 500 tăng 0,63% và Nasdaq tăng 0,46%.

Tương tự, với sự phục hồi trở lại của giá dầu thô, cùng kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp đã công bố, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Pháp tăng mạnh nhất khi những thăm dò trước cuộc bầu cử diễn ra cho thấy, ứng viên trung dung Emmanuel Macron đang dẫn trước bà Marine Le Pen, ứng viên thuộc phái cực hữu 20 điểm phần trăm.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 49,33 điểm (+0,68%), lên 7.297,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 69,11 điểm (+0,55%), lên 12.716,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 59,98 điểm (+1,12%), lên 5.432,40 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, với mức tăng tốt hơn phố Wall dù không thể mạnh như tuần cuối tháng 4. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 5, chỉ số FTSE 100 tăng 1,30%, chỉ số DAX tăng 2,24%, chỉ số CAC 40 tăng 3,13%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm mạnh do giá dầu thô giảm sâu và lo lắng về sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 2 tuần, còn cúng khón Trung Quốc đại lục giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 207,53 điểm (-0,84%), xuống 24.476,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 24,01 điểm (-0,77%), xuống 3.103,36 điểm. Chứng khoán Nhật Bản vẫn đang nghỉ lễ.

Trong khi đó, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản giữ được đà tăng do chỉ giao dịch 2 ngày đầu tuần, còn lại chứng khoán Hồng K ông và Trung Quốc đại lục đều giảm trong tuần qua, trong đó chứng khoán Trung Quốc tiếp tục kéo dài chuỗi tuần giảm điểm của mình.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,30%, chỉ số Hang Seng giảm 0,56% sau khi tăng hơn 6,8% trong tuần trước đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,62%.

Trong khi chứng khoán và dầu thô có mức tăng tốt, thì giá vàng dường như hết động lực vì thiếu thông tin hỗ trợ, trong khi dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, nên chỉ lình xình trong suốt phiên và đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 5/5, giá vàng giao ngay giảm 0,1 USD (-0,01%), xuống 1.227,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,2 USD (-0,02%), xuống 1.228,4 USD/ounce.

Giá vàng tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn rất nhiều so với 2 tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 3,14% và giá vàng giao tháng 6 cũng giảm 3,24%.

Với chuỗi giảm giá này, cùng những thông tin hỗ trợ gần như không còn, trong khi đồng USD tăng, khiến giới phân tích và đầu tư có cái nhìn tiêu cực hơn về xu hướng của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 19 chuyên gia thị trường trả lời (ít hơn tuần trước 4 người), chỉ có 7 người, chiếm 37% vẫn giữ quan điểm tích cực về giá vàng, tiếp tục giảm so với con số 43% của tuần trước và tuần trước đó nữa là 53%. Trong khi đó, số người có cái nhìn tiêu cực về giá vàng tăng lên 9 người, chiếm 47%, cao hơn con số 30% của tuần trước và 3 người còn lại, chiếm tỷ lệ 16% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 1.570 lượt độc giả tham gia, trong đó có 756 người, chiếm 48% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, tương đương con số của tuần trước, 639 lượt độc giả, chiếm 41% cho rằng giá vàng sẽ giảm, cao hơn con số 36% của tuần trước và 175 người, chiếm 11% giữ quan điểm trung lập.

Sau chuỗi giảm sâu trước đó, xuống mức thấp nhất 5 tháng, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua sau dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ được công bố, trong khi Ả Rập Xê út cho biết, Nga sẽ tham gia cùng với OPEC trong việc mở rộng thêm thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Dù vậy, đà tăng của giá dầu cũng không quá mạnh để giúp giá nhiên liệu này tránh khỏi tuần lao dốc do mức thỏa thuận mở rộng cắt giảm sản lượng không quá sâu.

Kết thúc phiên 5/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,7 USD/thùng (+1,51%), lên 46,22 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,72 USD (+1,47%), lên 49,10 USD/thùng.

Dù phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn không thoát khỏi tuần lao dốc mạnh và cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 5, giá dầu thô Mỹ giảm 6,30%, giá dầu thô Brent cũng mất 5,08%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục