Chứng khoán duy trì đà khởi sắc, giá vàng giảm mạnh

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng tố trong phiên cuối tuần qua và có tuần tăng mạnh, trong khi giá vàng giảm mạnh khi đồng USD lấy lại đà tăng.
Phố Wall lại thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên thứ Sáu (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Sáu tuần trước và tiếp tục duy trì chuỗi phiên tích cực kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, phố Wall cũng được hỗ trợ khi giá dầu thô phục hồi tốt trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng các nhà sản xuất ngoài OPEC cũng sẽ theo chân OPEC cắt giảm sản lượng.

Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ theo dõi cuộc họp cuối cùng trong năm của Fed với dự đoán cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp này.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Dow tăng 142,04 điểm (+0,72%), lên 19.756,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,34 điểm (+0,59%), lên 2.259,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,14 điểm (+0,50%), lên 5.444,50 điểm.

Với chuỗi phiên tăng liên tiếp trong tuần qua, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều tăng mạnh, trong đó S&P 500 và Nasdaq trở lại đà tăng sau tuần điều chỉnh do ảnh hưởng của nhóm công nghệ trước đó, trong khi Dow Jones có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 3,06%, chỉ số S&P 500 tăng 3,08% và chỉ số Nasdaq tăng 3,59%, lấy lại gần hết những điểm số đã mất của 2 tuần trước.

Quyết định trước đó của ECB về việc cắt giảm liều lượng mua trái phiếu từ 80 tỷ euro/tháng xuống 60 tỷ euro/tháng, nhưng kéo dài thời gian gói kích thích này đến hết năm 2017, dài hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên thứ Sáu.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,66 điểm (+0,33%), lên 6.954,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 24,21 điểm (+0,22%), lên 11.203,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,59 điểm (+0,60%), lên 4.764,07 điểm.

Với những phiên tăng liên tiếp tuần qua, chứng khoán châu Âu đã có tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng Giêng sau tuần điểm chỉnh giảm trước đó do lo ngại về tình hình Italia. Như vậy, chứng khoán châu Âu đã có 4 tuần tăng trong 5 tuần giao dịch gần nhất. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 3,32%, chỉ số DAX tăng 6,57% và chỉ số CAC 40 tăng 5,19%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phản ứng tích cực với đà tăng của phố Wall và việc đồng yên giảm mạnh trở lại với đồng USD, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất trong 1 năm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng phục hồi tốt trở lại trong phiên cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu bluechip tăng trở lại sau chuỗi giảm trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông quay đầu giảm, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu casino khi Trung Quốc cho biết sẽ đặt giới hạn rút tiền từ ATM tại thiên đường cờ bạc Macau.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 230,90 điểm (+1,23%), lên 18.996,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 100,86 điểm (-0,44%), xuống 22.760,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,70 điểm (+0,52%), lên 3.232,07 điểm.

Phiên điều chỉnh cuối tuần chỉ làm giảm đà tăng, chứ không thể ngăn chứng khoán Hồng Kông phục hồi trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục dù trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng cũng không tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn nhiều tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,10%, chỉ số Hang Seng tăng 0,87% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,38%.

Trong khi chứng khoán đồng loạt tăng mạnh, thì với việc Fed có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới, trong khi ECB mở rộng thời gian gói kích thích kinh tế khiến USD tiếp tục tăng, đẩy giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 9/12, giá vàng giao ngay giảm 10,8 USD (-0,92%), xuống 1.159,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 11,0 USD (-0,94%), xuống 1.161,4 USD/ounce.

Như vậy, không như kỳ vọng của giới phân tích, giá vàng tiếp tục có tuần giảm thứ 5 liên tiếp, như dự báo của các nhà đầu tư. Cụ thể, giá vàng giao ngay trong tuần qua giảm 1,49% và giá vàng giao tháng 2/2017 cũng giảm 1,39%, gấp đôi so với mức giảm của tuần trước và mức giảm của 4 tuần hơn 11,5%.

Trong tuần trước, có tới 60% giới phân tích và môi giới dự báo giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần qua, trong khi có 56% nhà đầu tư dự báo giá vàng sẽ giảm.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên giá vàng, nhưng với dự đoán rằng, thông tin này đã được phản ánh hết trong chuỗi tuần giảm vừa qua, nên giới phân tích và cả nhà đầu tư đặt kỳ vọng giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần này.

Cụ thể, trong 19 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 11 người, chiếm 58% cho rằng giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần này, trong khi có 5 người dự báo giá vàng giảm, tương đương 26%  và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 16%.

Trong khi đó, trong số 697 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 386 người, chiếm 55% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn mức 33% của tuần trước, trong khi số người dự báo giảm là 208 người, chiếm 30%, thấp hơn mức 58% của tuần trước đó và 96 người, chiếm 14% có quan điểm trung lập hoặc dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Giá dầu thô tiếp tục phục hồi tốt trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng OPEC và các nước sản xuất lớn khác ngoài khối sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng bạc xanh đã khiến đà tăng bị hạn chế và không giúp được giá dầu thô duy trì được chuỗi tuần tăng giá liên tiếp lên con số 4.

Kết thúc phiên 9/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,66 USD/thùng (+1,28%), lên 51,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,44 USD (+0,81%), lên 54,33 USD/thùng.

Sau khi có tuần chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, đặc biệt là mức tăng vọt trong tuần trước sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày của OPEC, giá dầu thô đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,35%, giá dầu thô Brent cũng giảm 0,24%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục