Chứng khoán đồng loạt lao dốc

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt lao dốc mạnh trong phiên giao dịch thứ Năm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh thất vọng của các doanh nghiệp vừa công bố.
Chứng khoán đồng loạt lao dốc

Sau khi liên tiếp có các phiên tăng nhẹ để thiết lập đỉnh cao mới, phố Wall đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu công nghệ và nhà đầu tư lo lắng về việc Thương viện Mỹ trì hoãn kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% mà Hạ viện thông qua trước đó.

6 trong 11 chỉ số S&P giảm điểm, trong đó giảm mạnh có ngành công nghiệp giảm 1,28%, công nghệ giảm 0,85%.

Các đại gia công nghệ như Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Oracle và Facebook nằm trong số các cổ phiếu gây sức ép mạnh nhất lên thị trường.

Về dữ liệu kinh tế, theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 10.000 người, lên 239.000 người, cao hơn con số 231.000 mà giới phân tích dự báo. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức 300.000 người và vẫn cho thấy thị trường lao động đang lành mạnh.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số Dow Jones giảm 101,42 điểm (-0,43%), xuống 23.461,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,76 điểm (-0,38%), xuống 2.584,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 39,06 điểm (-0,58%), xuống 6.750,05 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cổ phiếu của “đại gia” Siemens giảm 3,7% sau khi công bố lợi nhuận quý III giảm 10% so với dự kiến và báo hiệu một năm khó khăn trước khi cơ cấu lại mảng tuabin và điện gió.

Cổ phiếu của nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới giảm tới 19% sau khi giảm dự báo lợi nhuận năm.

Cũng có mức giảm mạnh còn có cổ phiếu của thương hiệu hạng sang của Anh Burberry giảm 9,9%, nhà sản xuất thuốc Hikma giảm 4,1% khi cả 2 công bố kết quả kinh doanh và triển vọng kém khả quan.

Kết quả kinh doanh thất vọng của các doanh nghiệp lớn đã kích hoạt hoạt động chốt lời diễn ra trên diện rộng khi các chỉ số đang ở mức cao kỷ lục, đẩy thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 45,62 điểm (-0,61%), xuống 7.484,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 199,86 điểm (-1,49%), xuống 13.182,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 63,68 điểm (-1,16%), xuống 5.407,75 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã có một phần biến động mạnh khi chỉ số Nikkei 225 lúc đầu tăng mạnh lên mức cao nhất gần 27 năm nhờ nhóm cổ phiếu tài chính và chứng khoán. Tuy nhiên, trong phiên chiều chỉ số này đã lao mạnh, rơi thẳng xuống dưới mức tham chiếu do áp lực chốt lời ồ ạt diễn ra. Phiên biến động mạnh nhất kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, lên mức cao nhất 3 năm.

Trong khi đó, dữ liệu về lạm phát tăng trong tháng 10 của Trung Quốc khiến giới đầu tư đặt kỳ vọng vào đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều tăng tốt trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 45,11 điểm (-0,20%),xuống 22.868,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 228,97 điểm (+0,79%), lên 29.136,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,33 điểm (+0,36%), lên 3.427,79 điểm.

Trong khi chứng khoán đồng loạt giảm, thì giá vàng duy trì được đà tăng trong phiên thứ Năm, dù mức tăng khiêm tốn hơn phiên trước đó, nhưng cũng đủ để giúp giá kim loại quý này lên mức cao nhất 3 tuần. Việc đồng USD giảm mạnh trở lại trong phiên, xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần cũng là yếu tố hỗ trợ chính cho giá vàng duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 9/11, giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD/ounce (+0,29%), lên 1.284,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,8 USD/ounce (+0,30%), lên 1.287,5 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, sau 2 phiên điều chỉnh giá dầu thô đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm khi thị trường được ủng hộ bởi việc các nhà sản xuất lớn cắt giảm nguồn cung, cũng như khủng hoảng chính trị tại Ả Rập Xê út, nước sản xuất lớn nhất của OPEC. Bên cạnh đó, việc đồng USD giảm mạnh cũng ủng hộ cho giá dầu thô hồi phục trong phiên này.

Kết thúc phiên 9/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,36 USD (+0,63%), lên 57,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,44 USD (+0,69%), lên 63,93 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục