Trong phiên cuối tuần qua, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho biết, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 11 tạo thêm 228.000 việc làm, vượt con số dự báo 200.000 của giới phân tích. Thu nhập bình quân theo giờ tăng 0,2% trong tháng 11 sau khi giảm 0,1% trong tháng trước.
Số liệu này cho thấy thị trường lao động đang rất chắc chắn và cho thấy triển vọng kinh tế năm 2018 sáng sủa.
Ngoài ra, việc Quốc hội Mỹ đã thông qua gói ngân sách mới, qua đó tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì không có tiền cũng là thông tin tích cực giúp phố Wall đồng loạt tăng mạnh trong phiên cuối tuần, bất chấp khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới (khả năng là 96,2%, theo thăm dò của Reuters) và căng thẳng địa chính trị đang leo thang ở Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cũng như cẳng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Dow Jones tăng 117,68 điểm (+0,49%), lên 24.329,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,52 điểm (+0,55%), lên 2.651,50 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,24 điểm (+0,40%), lên 6.840,08 điểm.
Phiên hồi phục mạnh cuối tuần giúp Dow Jones và S&P 500 có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,40% và 0,15%, khiêm tốn hơn rất nhiều so với tuần trước đó, trong khi Nasdaq có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,11% sau khi giảm 0,60% trong tuần trước đó.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng mạnh cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, cùng với việc đồng euro giảm so với đồng USD.
Kết thúc phiên 8/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 73,21 điểm (+1,00%), lên 7.393,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 108,55 điểm (+0,83%), lên 13.153,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,23 điểm (+0,28%), lên 5.399,09 điểm.
Sau tuần điều chỉnh trước đó, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng quay đảo chiều tăng mạnh trở lại trong tuần qua, lấy cả vốn lẫn lãi đã để mất trong tuần trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,28% (tuần trước giảm 1,47%), chỉ số DAX tăng 2,27% (tuần trước giảm 1,52%) và chỉ số CAC 40 tăng 1,55% (tuần trước giảm 1,36%).
Tương tự chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng có phiên khởi sắc cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh gần 1,4% nhờ hưởng lợi từ phiên tăng trước đó của phố Wall, trong khi chứng khoán Hồng Kông tăng vọt hơn 1% và chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại nhờ dữ liệu thương mại tích cực của Trung Quốc vừa công bố.
Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh vào tháng 11 sau khi chậm lại vào tháng 10, một dấu hiệu đáng khích lệ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh siết các khoản nợ rủi ro và siết chặt vấn đề ô nhiễm môi trường.
Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 313,05 điểm (+1,39%), lên 22.811,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 336,66 điểm (+1,19%), lên 29.639,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,11 điểm (+0,55%), lên 3.290,17 điểm.
2 phiên tăng mạnh cuối tuần đã giúp chứng khoán Nhật Bản lấy lại gần hết những gì đã mất trong những phiên đầu tuần, nhưng thiếu chút may mắn để có tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 0,03%. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có tuần giảm thứ 4 liên tiếp khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,83%, còn chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu tăng 1,95% sau khi giảm 1,08% tuần trước đó.
Giá vàng đã có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 7 khi đồng USD liên tục tăng mạnh trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với khả năng cao cơ quan này sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay. Trong phiên cuối tuần, dù đồng USD tiếp tục leo lên mức cao nhất gần 3 tuần và chứng khoán đồng loạt khởi sắc, nhưng giá vàng may mắn chỉ lình xình và chốt phiên với sắc xanh nhạt nhờ căng thẳng tại Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Kết thúc phiên 8/12, giá vàng giao ngay tăng 1,4 USD/ounce (+0,11%), lên 1.248,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,9 USD/ounce (-0,31%), xuống 1.245,9 USD/ounce.
Giá vàng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7. Trong đó, giá vàng giao ngay giảm 2,45% và giá vàng tương lai giảm 2,64%.
Với đà giảm 3 tuần liên tiếp do với khả năng Fed tăng lãi suất, nhưng với tuần giảm mạnh vừa qua, cùng căng thẳng địa chính trị đang leo thang cả Trung Đông và bán đảo Triều Tiên, cả giới đầu tư và phân tích đã bắt đầu kỳ vọng về đà hồi phục của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp tuần này, có 19 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 7 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 37%, cao hơn nhiều con số 21% của tuần trước; trong khi số người dự báo giảm là 10 người, chiếm 53%, thấp hơn con số 58% của tuần trước; 2 người còn lại, chiếm 11% giữ quan điểm trung lập.
Trong cuộc thăm do trực tuyến, có 847 lượt người tham gia, trong đó có 400 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, chiếm 47%, nhỉnh hơn con số 46% của tuần trước; 393 lượt dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 46%, cao hơn con số 36% của tuần trước và 54 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 6%.
Trong khi vàng không thể bật dậy do đồng USD tăng mạnh, thì căng thẳng ở Trung Đông, cũng như dữ liệu thương mại tích cực của Trung Quốc hỗ trợ cho giá dầu có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong phiên cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 8/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,67 USD (+1,17%), lên 57,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,20 USD (+1,89%), lên 63,40 USD/thùng.
Dù đã có 2 phiên cuối tuần hồi phục, nhưng với các phiên giảm trước đó, giá dầu thô tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 1,71% sau khi mất 1% trong tuần trước và giá dầu thô Brent giảm 0,14% sau khi mất 0,58% tuần trước đó.