Chứng khoán đồng loạt đảo chiều giảm, giá vàng hồi phục nhẹ

(ĐTCK) Nhận các thông tin kém khả quan, chứng khoán Âu, Mỹ đã đồng loạt đảo chiều giảm trong phiên thứ Năm, bất chấp dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng. Trong khi đó, sau chuỗi giảm liên tiếp, giá vàng đã hồi phục trở lại.
Chứng khoán đồng loạt đảo chiều giảm, giá vàng hồi phục nhẹ

Phố Wall đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Năm khi doanh số bán hàng của 2 nhà bán lẻ Macy’s và Kohl giảm mạnh, tạo ra đợt bán tháo cổ phiếu bán lẻ và làm dấy lên lo ngại về mức chi tiêu của người tiêu dùng không đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Sau kết quả kinh doanh của 2 nhà bán lẻ trên, giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bán lẻ tháng 4 để xem liệu lĩnh vực này có đủ sức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ vốn đang chậm lại trong quý I hay không.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 23,69 điểm (-0,11%), xuống 20.919,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,19 điểm (-0,22%), xuống 2.394,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,18 điểm (-0,22%), xuống 6.115,96 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên thứ Năm khi nhận các thông tin kém tích cực từ các doanh nghiệp. Nhóm viễn thông giảm mạnh sau thông tin cắt giảm 4.000 việc làm. Ngoài ra, những báo cáo đánh giá kém tích cực khác cũng khiến cổ phiếu của nhiều hãng lớn thuộc lĩnh vực bảo hiểm, truyền thông, quảng cáo giảm mạnh.

Dù vậy, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính, đà giảm của chứng khoán châu Âu không quá mạnh.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,39 điểm (+0,02%), lên 7.386,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46,40 điểm (-0,36%), xuống 12.711,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,04 điểm (-0,32%), xuống 5.383,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng khi đồng yên vẫn giảm so với đồng USD, một thông tin tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại khi chỉ số Nikkei 225 đang gặp phải ngưỡng cản kỹ thuật 20.000 điểm. Ngoài ra, sự sụt giảm của cổ phiếu Toyota khi hãng này đưa ra mức dự báo lợi nhuận sụt giảm 20% trong năm tài chính này cũng ảnh hưởng đến đà tăng của Nikkei 225.

Chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì phiên tăng thứ 4 liên tiếp nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục khi các nhà đầu tư đại lục thông qua kết nối xuyên biên giới giữa sàn Thượng Hải và Hồng Kông.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ bơm nhiều tiền hơn vào hệ thống trong ngày cuối tuần.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 61,46 điểm (+0,31%), lên 19.961,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,13 điểm (+0,44%), lên 25.125,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,72 điểm (+0,29%), lên 3.061,50 điểm.

Trong khi đó, sau chuỗi phiên giảm liên tục, giá vàng đã hồi phục tốt trở lại trong phiên thứ Năm khi lực cầu bắt đáy gia tăng. Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán đồng loạt giảm trước các thông tin bất lợi cũng giúp vai trò trú ẩn an toàn của vàng được nâng lên.

Kết thúc phiên 11/5, giá vàng giao ngay tăng 6 USD (+0,49%), lên 1.224,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 5,3 USD (+0,43%), lên 1.224,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm, dù biên độ đã được thu hẹp chỉ còn chưa tới một nửa so với phiên trước đó. Giá dầu thô tăng mạnh trong 2 phiên vừa qua nhờ thông tin nhiều thành viên của OPEC đồng ý mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng và thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bất ngờ giảm mạnh.

Kết thúc phiên 11/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,50 USD/thùng (+1,05%), lên 47,83 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,55 USD (+1,08%), lên 50,77 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục