Quyết định không tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp kết thúc hôm thứ Tư (theo giờ Mỹ) tiếp tục hỗ trợ, giúp phố Wall duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Năm. Với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, S&P 500 có 2 phiên tăng mạnh nhất trong 2 tháng, trong khi Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones tăng 98,76 điểm (+0,54%), lên 18.392,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,06 điểm (+0,65%), lên 2.177,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,34 điểm (+0,84%), lên 5.339,52 điểm.
Được thúc đẩy bởi quyết định không tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp kết thúc trước đó 1 ngày, chứng khoán châu Âu cũng có phiên thăng hoa trong ngày thứ Năm, lên mức cao nhất 2 tuần.
Quyết định của Fed khiến đồng USD giảm và đẩy giá của các loại hàng hóa nguyên liệu khác như vàng, dầu thô, đồng, bạc… tăng cao, qua đó giúp nhóm cổ phiếu khai mỏ và nguyên vật liệu tăng, tạo nên sự khởi sắc của chứng khoán khu vực trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 76,63 điểm (+1,12%), lên 6.911,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 237,69 điểm (+2,28%), lên 10.674,18 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 100,27 điểm (+2,27%), lên 4.509,82 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi tăng mạnh trong phiên thứ Năm với quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) về việc sẽ cải tổ lại chương trình kích thích kinh tế, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong phiên thứ Năm, qua đó không thể hưởng lợi từ quyết định của Fed.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và một số thị trường khác của châu Á lại hưởng trọn niềm vui với thông tin từ bên kia bờ Thái Bình Dương.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 89,9 điểm (+0,38%), lên 23.759,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,44 điểm (+0,54%), lên 3.042,31 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi tăng vọt trong phiên thứ Tư nhờ quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, giá vàng đã trở lại trạng thái lình xình trong phiên thứ Năm trên thị trường châu Á và châu Âu. Bước sang phiên Mỹ, giá kim loại quý này trở lại đà tăng do đồng USD tiếp tục giảm giá, tuy nhiên về cuối phiên áp lực chốt lời sớm đã khiến đà tăng bị hãm lại.
Kết thúc phiên 22/9, giá vàng giao ngay tăng 1,8 USD (+0,14%), lên 1.336,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 13,3 USD (+1,0%), lên 1.344,7 USD/ounce.
Thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm mạnh trong tuần trước, cùng cuộc bãi công của công nhân ngành dầu mỏ Na Uy tiếp tục ủng hộ cho giá dầu thô trong phiên thứ Năm. Giá dầu thô tăng vọt trong phiên này, nhưng về nửa cuối phiên, đà tăng đã bị hãm bớt do giới đầu tư lo ngại khả năng OPEC và các nước sản xuất ngoài khối khó đạt được thỏa thuận về đóng băng sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.
Kết thúc phiên 22/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,98 USD/thùng (+2,12%), lên 46,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,82 USD (+1,72%), lên 47,65 USD/thùng.