Chứng khoán, dầu thô có tuần tăng mạnh, giá vàng tiếp tục giảm

(ĐTCK) Thông tin tích cực của nền kinh tế Mỹ giúp phố Wall có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3, giá dầu thô cũng leo lên mức cao nhất năm, trong khi giá vàng lại liên tiếp giảm và có tuần giảm thứ 4 liên tiếp do sức ép về khả năng Fed tăng lãi suất và USD tăng cao.
Phố Wall có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3 nhờ dữ liệu kinh tế tích cực (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 3 nhờ dữ liệu kinh tế tích cực (Ảnh minh họa: AFP)

Trong bài phát biều mới nhất, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed cho biết, khả năng tăng lãi suất là tích hợp “trong những tháng tới”. Phát biểu của Yellen là tiếng nói có trọng lượng nhất trong một loạt phát biểu nói về khả năng tăng lãi suất của các quan chức Fed trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, khác với trước đó, mỗi lần các quan chức Fed nói về khả năng tăng lãi suất, chứng khoán lại đồng loạt giảm điểm, lần này, với khả năng Fed tăng lãi suất “trong những tháng tới” cho thấy các cơ quan này đã tự tin vào sự ổn định của nền kinh tế Mỹ để có thể chịu đựng được chi phí vay cao hơn.

Chính điều này đem lại sự tự tin cho nhà đầu tư và qua đó giúp chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên điều chỉnh trước đó.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Dow Jones tăng 44,93 điểm (+0,25%), lên 17.873,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,96 điểm (+0,43%), lên 2.099,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,74 điểm (+0,65%), lên 4.933,50 điểm.

Cũng với sự tự tin về nền kinh tế Mỹ, phố Wall tuần qua đã có những phiên tăng khá ấn tượng và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,13%, chỉ số S&P 500 tăng 2,28% và Nasdaq tăng 3,44%.

Chứng khoán châu Âu cũng ổn định trở lại trong phiên cuối tuần và đóng cửa với sắc xanh, dù đà tăng rất khiêm tốn. Chứng khoán châu Âu nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu dược phẩm khi Roche thông báo kết quả tích cực từ dòng sản phẩm quan trọng của mình với tiềm năng đem về doanh thu cả tỷ USD. Tuy nhiên, chứng khoán khu vực lại chịu tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng khi áp lực chốt lời gia tăng, cũng như giá dầu giảm.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,14 điểm (+0,08%), lên 6.270,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 13,6 điểm (+0,13%), lên 10.286,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,10 điểm (+0,05%), lên 4.514,74 điểm.

Dù vậy, với những thông tin hỗ trợ trong tuần, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng điểm ấn tượng và đang ở mức cao nhất 1 tháng. Cụ thể,  trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,86%, chỉ số DAX tăng 3,73% và chỉ số CAC 40 tăng 3,69%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên cuối tuần khi có nhiều khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ trì hoãn áp dụng việc tăng thuế doanh thu, dự kiến có hiệu lực vào tháng tới.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều thành công trong phiên chiều, đóng cửa ở mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Sáu khi giới đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ mở rộng chương trình đầu tư xuyên biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục quay đầu giảm nhẹ sau phiên hồi phục hôm thứ Năm và tiếp tục có tuần giảm điểm.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 62,38 điểm (+0,37%), lên 16.834,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 179,66 (+0,88%), lên 20.576,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 1,4 điểm (-0,05%), xuống 2.821,05 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,62%, chỉ số Hang Seng tăng 3,65% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,17%.

Trong khi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán tự tin về sự ổn định của kinh tế Mỹ và phản ứng tích cực với tín hiệu tăng lãi suất của Fed, thì với thị trường vàng, đó là tín hiệu xấu. Do đó, với các dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ liên tiếp được công bố và khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc tháng 7 lớn dần, giá vàng cũng liên tiếp có các chuỗi giảm giá tuần qua.

Kết thúc phiên 27/5, giá vàng giao ngay giảm 6,7 USD (-0,55%), xuống 1.212,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 7,6 USD (-0,62%), xuống 1.213,9 USD/ounce.

Tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 3,12% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 3,11%. Đây là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của giá vàng và với 4 tuần giảm liên tiếp và trước sức mạnh hiện tại của đồng USD, cũng như khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 rất cao, giá vàng không được đánh giá cao trong tuần tới.

Trong cuộc thăm dò tuần này, có 790 người tham gia, trong đó có 499 người, chiếm 51% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 278 người, chiếm 35% dự báo giá sẽ giảm và 112 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 20 chuyên gia trả lời, có 9 chuyên gia, chiếm 45% dự đoán giá vàng sẽ giảm tiếp trong tuần tới, 7 chuyên gia, chiếm 35% có cái nhìn lạc quan và 4 người, chiếm 23% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu mỏ, áp lực chốt lời khi đang ở vùng kháng cự mạnh 50 USD/thùng khiến giá dầu thô có phiên giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, 2 phiên điều chỉnh cuối tuần không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến tích cực tuần này của giá dầu thô khi giá nhiên liệu này tiếp tục có tuần tăng mạnh.

Theo giới phân tích, với lực cản mốc 50 USD/thùng, giá dầu thô sẽ chịu rào cản kỹ thuật trong 3-5 tuần tới.

Kết thúc phiên 27/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,15 USD (-0,3%), xuống 49,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,27 USD (-0,55%), xuống 49,32 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,31% và giá dầu thô Brent tăng 1,23%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục