Chứng khoán Dầu khí muốn xóa khoản lỗ lũy kế tồn đọng 10 năm bằng thặng dư vốn

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi xóa lỗ lũy kế, PSI có thể tăng năng lực cạnh tranh trong hoạt động tư vấn, tăng vốn để thực hiện nghiệp vụ phái sinh – lãnh đạo của công ty chứng khoán này nêu.
Chứng khoán Dầu khí muốn xóa khoản lỗ lũy kế tồn đọng 10 năm bằng thặng dư vốn

CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đang chuẩn bị trình cổ đông kế hoạch sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý khoản lỗ lũy kế phát sinh từ năm 2011. Trong hơn 9 năm qua, các khoản lợi nhuận tích lũy được đã giúp giảm một nửa số lỗ này, từ âm 81,6 tỷ đồng đến cuối năm 2019 chỉ còn âm 41 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán này, dù các năm qua hoạt động có hiệu quả và ổn định nhưng chính khoản lỗ lũy kế chưa bù đắp hết này đã hạn chế PSI mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, qua 5 lần tăng vốn trong giai đoạn 2008-2011, PSI cũng đã có sẵn phần thặng dư vốn cổ phần 67,44 tỷ đồng nhờ giá phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá.

PSI hoạt động có hiệu quả nhưng vẫn không đủ bù lỗ sau 9 năm
PSI hoạt động có hiệu quả nhưng vẫn không đủ bù lỗ sau 9 năm

Theo ý kiến trình cổ đông, PSI muốn sử dụng phần thặng dư này để xóa toàn bộ lỗ lũy kế còn lại để lành mạnh báo cáo tài chính. Lãnh đạo công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh các lợi ích từ việc xóa lỗ lũy kế. Trong đó, PSI có thể tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, nhất là vốn vay do cải thiện xếp hạng tín dụng, tăng lòng tin của khách hàng và đối tác trong việc sử dụng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của PSI nhất là ở mảng tư vấn khi tham gia các gói thầu tư vấn.

Đồng thời, cổ phiếu PSI sẽ không còn nằm trong danh sách cổ phiếu không được ký quỹ, cổ đông có thể nhận cổ tức từ lợi nhuận các năm sau. Lãnh đạo PSI cũng đề cập đến khả năng tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu, đáp ứng vốn tối thiểu để tham gia nghiệp vụ phái sinh và bổ sungvốn cho hoạt động kinh doanh, theo chiến lược hoạt động mô hình ngân hàng đầu tư.

Cú rơi của thị trường chứng khoán giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm không chỉ khiến giá nhiều tài sản giảm, công nợ khó đòi tăng mà các hoạt động trên thị trường chứng khoán từ môi giới, tư vấn… đều thu hẹp. Khoản lỗ hơn 93 tỷ đồng của PSI hồi năm 2011 cũng chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng hoạt động đầu tư tài chính do giá cổ phiếu giảm sâu, chi phí lãi do nhận ứng trước tiền để thu gom trái phiếu…

Không riêng PSI, tình hình kinh doanh nhiều công ty chứng khoán Việt Nam chịu tổn hại khi đó. Chứng khoán MB, SHS đều đã xóa lỗ lũy kế. Trong năm 2020, Chứng khoán Tiên Phong (tiền thân là chứng khoán Phương Đông – ORS) cũng dự kiến sẽ xóa toàn bộ lỗ lũy kế. Công ty này cũng đã tăng mạnh vốn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư.

Quy mô tài sản của PSI ngày 30/6/2020 là hơn 1.075 tỷ đồng. Trong đó, 487 tỷ đồng là khoản cho vay margin và ứng trước tiền bán cổ phiếu cho khách hàng. Nửa đầu năm 2020, PSI cũng đầu tư mới vào trái phiếu của ba tổ chức gồm Fecon, Thủy điện Dakđrinh và BIDV với giá trị khoản đầu tư là hơn 120 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, PSI cũng khá tích cực phát hành trái phiếu huy động vốn với dư nợ đến cuối quý II xấp xỉ 286 tỷ đồng.

Đến cuối quý II/2020, công ty vẫn còn tồn khoản công nợ 34 tỷ đồng từ nhóm các nhà đầu tư tại TP HCM theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, khoản nợ này có tài sản đảm bảo, đồng thời, các nhà đầu tư cũng cam kết hoàn thành nghĩa vụ nợ trong năm 2020. Nhiệm vụ đề ra cho nửa cuối năm nay cũng hướng đến mục tiêu thoái các cổ phiếu OTC tồn đọng với ít nhất 2 khoản đầu tư cũng như giải quyết công nợ tồn đọng từ quá khứ.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục