Chứng khoán CV (CVS) trước nguy cơ ngừng hoạt động

(ĐTCK) CTCP Chứng khoán CV (CVS) đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Chưa bàn đến tính khả thi, nhưng ngay cả khi phát hành thành công, CVS vẫn chưa thể đảm bảo đủ vốn để duy trì nghiệp vụ kinh doanh theo quy định, đẩy Công ty đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
Chứng khoán CV (CVS) trước nguy cơ ngừng hoạt động

Liên tục thua lỗ

Theo báo cáo tài chính quý I/2020, kết thúc quý đầu năm, CVS ghi nhận vỏn vẹn 21,8 triệu đồng doanh thu và lỗ gần 3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Công ty lỗ hơn 5,8 tỷ đồng.

Hệ quả của tình trạng kinh doanh thua lỗ triền miên là tính đến 31/3/2020, CVS có khoản lỗ lũy kế lên đến 77,1 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu giảm từ 90 tỷ đồng xuống chỉ còn 12,8 tỷ đồng - không đảm bảo mức vốn pháp định để duy trì hoạt động.

Thực tế, tình trạng trên đã xảy ra trong năm 2019. Đây là lý do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) yêu cầu CVS triển khai phương án tăng vốn, hoặc rút bớt nghiệp vụ kinh doanh để đảm bảo giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định. Loay hoay suốt gần một năm qua, mới đây CVS mới đưa ra phương án tăng vốn. 

Tăng vốn có khả thi?

Về kế hoạch tăng vốn, ngày 14/5 vừa qua, thông qua lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, 7 cổ đông đại diện cho 100% số cổ phần có quyền biểu biểu đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn với số phiếu đồng ý 100%.

Cụ thể, đại hội chốt kế hoạch phát hành toàn bộ 2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức là Max Team International Limited - một công ty được thành lập ở quần đảo Virgin thuộc Anh, với giá chào bán cao nhất dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu hồ sơ phát hành được UBCK thông qua, CVS sẽ thực hiện phương án phát hành trong tháng 5-6/2020. Trong trường hợp mua hết 2 triệu cổ phiếu, Max Team International Limited sẽ sở hữu 18,18% cổ phần của CVS.

Mục đích của đợt phát hành là nhằm tăng vốn điều lệ, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đáp ứng quy định của pháp luật về vốn pháp định đối với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. CVS đang duy trì 2 nghiệp vụ là môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, để được cấp phép hoạt động 2 nghiệp vụ này, công ty chứng khoán phải đảm bảo nguồn vốn lần lượt là 25 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.

Như vậy, ngay cả khi huy động thành công 20 tỷ đồng trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ trên, CVS vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định để duy trì hoạt động 2 nghiệp vụ kinh tại, bởi theo báo cáo tài chính quý I/2020, vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 12,8 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, câu hỏi đặt ra là CVS sẽ rút bớt nghiệp vụ hoạt động để không bị phạm luật hay tính đến phương án khác?

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Nguyễn Thế Ninh, người phụ trách công bố thông tin của CVS, nhưng vị này cho biết không thể chia sẻ thêm thông tin ngoài các nội dung đã công bố.

Một câu hỏi quan trọng hơn bởi nó ảnh hưởng đến sự sống còn của CVS là liệu phương án phát hành 2 triệu cổ phiếu cho Max Team International Limited có khả thi, nhưng CVS cũng từ chối trả lời.

CVS tiền thân là Công ty Chứng khoán Hồng Bàng thành lập năm 2009.

Sau nhiều năm hoạt động èo uột, Công ty được đổi tên thành Công ty Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015.

Thế nhưng, sau 2 lần đổi tên, CVS vẫn chưa thể đổi vận, cho dù đã được chủ ngoại đến từ Trung Quốc giải cứu cách đây 2 năm bằng cách bơm thêm 40 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng với tham vọng đưa CVS trở thành công ty chứng khoán kết nối đầu tư Việt Nam - Trung Quốc dựa trên thế mạnh về nguồn vốn ngoại chủ yếu đến từ Hồng Kông, Trung Quốc…

Năm 2018, cổ đông ngoại này đã ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất trong Hội đồng quản trị CVS khi ông Jia Minghui (quốc tịch Trung Quốc) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, CVS có tổng số 7 cổ đông đều là cổ đông lớn, nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên.

Trong đó, chỉ có 1 cổ đông trong nước là Tổng giám đốc Nguyễn Kim Hậu sở hữu 8,06% vốn điều lệ Công ty; 6 cổ đông còn lại đều là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 91,94% cổ phần, trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức sở hữu 44,44% cổ phần (tương đương 4 triệu cổ phiếu) là Viet Ocean Securities.     

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục