Chủ ngoại bó tay với Chứng khoán CV?
Thành lập năm 2009 với tên gọi ban đầu là Công ty Chứng khoán Hồng Bàng, sau 6 năm hoạt động mờ nhạt, Công ty được đổi tên thành Công ty Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015. Thế nhưng, cái tên mới không được phát huy đúng ý nghĩa của nó, mà còn diễn biến theo trạng thái ngược lại, Công ty thua lỗ triền miên, liên tục “ăn mòn” vốn.
Năm 2017, Công ty Chứng khoán Hưng Thịnh được đổi tên thành Công ty Chứng khoán CV (CVS). Sau khi CVS hoàn tất đổi tên, từ mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng đã được tăng lên 90 tỷ đồng vào năm 2018. Cùng với đổi tên là diễn ra quá trình đổi chủ tại VCS.
Theo đó, năm 2018, cổ đông ngoại đến từ Trung Quốc đã ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất trong Hội đồng quản trị. Cụ thể, ông Jia Minghui (quốc tịch Trung Quốc) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của CV, đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty.
Sau đổi chủ, CVS không giấu tham vọng khi định vị trở thành công ty chứng khoán kết nối đầu tư Việt Nam - Trung Quốc dựa trên thế mạnh về nguồn vốn ngoại chủ yếu đến từ Hồng Kông, Trung Quốc…
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa tham vọng này chưa thấy đâu khi CVS tiếp tục thua lỗ và chưa có lối thoát khả dĩ. Theo báo cáo tài chính năm 2018, Công ty lỗ 14,9 tỷ đồng và năm 2017 lỗ 6,4 tỷ đồng. Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã soát xét cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, tuy CVS ghi nhận doanh thu thu tăng, nhưng mức lỗ lại gia tăng mạnh.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, CVS đạt hơn 2 tỷ doanh thu, nhưng lỗ 10,6 tỷ đồng, trong khi các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm trước lần lượt là hơn 259 triệu đồng và lỗ 7,4 tỷ đồng.
Băn khoăn tăng vốn hay cắt nghiệp vụ
Khi soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2019, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh, CVS đang lỗ lũy kế 65,6 tỷ đồng, tương ứng với 73% vốn góp của chủ sở hữu. Ðiều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của CVS.
Thua lỗ khiến hết tháng 6/2019, vốn chủ sở hữu của CVS chỉ còn 24,3 tỷ đồng, không đảm bảo nguồn vốn cho duy trì các nghiệp vụ kinh doanh theo luật định. Ðây là lý do khiến Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra Công văn số 5079/UBCK-QLKD gửi CVS yêu cầu CVS có phương án khắc phục tình trạng này.
Theo đó, căn cứ báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã được soát xét của CVS, UBCK xét thấy vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm 30/6/2019 là 24,35 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định đối với 2 nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép là môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán (35 tỷ đồng).
Trước thực trạng này, UBCK yêu cầu CVS xây dựng và triển khai phương án tăng vốn điều lệ hoặc rút nghiệp vụ kinh doanh để đảm bảo giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định...
Ðể làm rõ CVS sẽ làm cách nào khắc phục tình trạng hiện nay, Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Nguyễn Thế Ninh, người công bố thông tin của CVS.
Liên quan đến tình trạng CVS thua lỗ triền miên, ông Ninh cho hay, do thời gian qua, CVS tăng đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ, phần mềm giao dịch, triển khai nghiệp vụ môi giới từ đầu năm nay. Tuy bước đầu mang lại doanh thu, nhưng do đầu tư nhiều nên vẫn lỗ…
Với yêu cầu của UBCK, CVS đang phải chịu hai sức ép là tăng vốn hoặc cắt nghiệp vụ kinh doanh. Giữa hai lựa chọn này, ông Ninh cho hay CVS sẽ cố gắng tăng vốn, chứ không cắt nghiệp vụ kinh doanh.
Theo báo cáo thường niên năm 2018, CVS không có cổ đông nhỏ lẻ, mà tổng cộng có 7 cổ đông lớn nắm giữ từ 5% cổ phiếu trở lên, trong đó cổ đông nước ngoài nắm giữ 91,94% cổ phần (cá nhân sở hữu 47,5%, tổ chức nắm giữ 44,44%), còn lại 8,06% là cá nhân trong nước nắm giữ. Với cơ cấu cổ đông này, chủ ngoại liệu có sẵn sàng bơm vốn để cứu CVS? Người công bố thông tin của CVS cho biết, ông không thể trả lời được câu hỏi này...