Chứng khoán có nhiều “câu chuyện” để kể

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư công tăng tốc, cùng nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế vĩ mô bớt ảm đạm đang tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như mặt bằng giá cổ phiếu.
Chứng khoán có nhiều “câu chuyện” để kể

Đầu tư công tăng tốc

Đầu tư công được xem là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn này, do vậy, số liệu giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng khi đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước. Theo Bộ Tài chính, ước tính trong tháng 8 vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt gần 61.300 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và bằng 49% kế hoạch năm.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công theo tháng.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công theo tháng.

Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay vẫn chậm so với kế hoạch, nhưng tiến độ giải ngân tăng khá tích cực trong các tháng gần đây. Nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công trong thời gian qua, như gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với quy mô 35.000 tỷ đồng; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Đầu tư công kỳ vọng được đẩy mạnh hơn nữa trong các tháng cuối năm nhờ quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

Chỉ số giá tiêu dùng ổn định

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước đó và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tháng 8 tăng chủ yếu do giá xăng dầu tăng theo đà tăng của thế giới; giá lương thực, thực phẩm tăng, trong đó giá gạo tăng 4,41% và giá thịt lợn tăng 0,96%.

Tốc độ tăng giảm CPI các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng giảm CPI các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4,5% cho năm 2023 thì số liệu CPI tháng 8 cho thấy vẫn còn dư địa cho việc thực hiện nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, nhìn vào đồ thị của chỉ số này theo tháng, có thể thấy, CPI đã tăng trong 2 tháng liên tiếp, cho tín hiệu có thể có “làn sóng lạm phát lần 2”, dẫn đến việc nới lỏng tiền tệ sẽ gặp khó hơn.

Xuất nhập khẩu khởi sắc

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022, song tăng 7,7% so với tháng trước đó; kim ngạch nhập khẩu đạt 28,55 tỷ USD, giảm 8,26 so với cùng kỳ và tăng 5,7% so với tháng 7; xuất siêu 3,82 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa tăng tích cực so với các tháng trước và giá trị nhập khẩu tháng 8 đã thu hẹp đà giảm. Giá trị một số mặt hàng xuất khẩu có dấu hiệu tăng theo tháng như điện tử, điện thoại, dệt may, gỗ, thủy sản.

Tình hình xuất, nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2023.

Tình hình xuất, nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2023.

Hoạt động thương mại tốt lên ở cả xuất và nhập khẩu cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại mang lại kết quả tích cực, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Qua đó, áp lực lên tỷ giá cũng được giảm, khi tổng kết 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Lãi suất có xu hướng giảm, áp lực tỷ giá không lớn

Trong tháng 8, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, với biên độ dao động hẹp 0,02 - 0,03%/năm. Mặt bằng lãi suất bình quân liên ngân hàng duy trì thấp kể từ đầu năm đến nay cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn ổn định.

Tỷ giá tăng nhanh trong 2 tháng trở lại đây do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang khá cao. Tỷ giá chỉ cách đỉnh cũ hồi tháng 10/2022 khoảng 2%. Dự báo tỷ giá có thể có áp lực tăng nhẹ trong thời gian tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, trong khi mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá không quá lớn nhờ nguồn cung ngoại tệ ổn định.

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 8/2023 cho thấy sự cải thiện tốt hơn từ các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư công tăng tốc, vốn FDI vào Việt Nam gia tăng, chỉ số PMI trở lại trên 50 điểm, khách quốc tế hồi phục... Một số điểm sáng khác là tình hình lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

Với những số liệu trên, có thể hình dung nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ vùng đáy suy thoái sang giai đoạn tiền tăng trưởng. Thị trường chứng khoán là nơi của sự kỳ vọng, nên tín hiệu vĩ mô bớt ảm đạm hơn sẽ giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế, từ đó sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Nền kinh tế các tháng cuối năm dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ và kích cầu tiêu dùng. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể cải thiện trở lại sau khi đã giảm 20% trong quý I và 16% trong quý II, đặc biệt so sánh với nền cùng kỳ thấp 6 tháng cuối năm 2022. Do vậy, đà phục hồi lợi nhuận từ các doanh nghiệp sẽ giúp yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán bền vững hơn.

Mặt bằng lãi suất đã và đang giảm quay trở lại nền trước khi thị trường tăng lãi suất cùng kỳ năm ngoái. Môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như kích thích dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán như đã được minh chứng trong các giai đoạn trước đó. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng.

Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong các tháng gần đây sẽ giúp nhiều ngành hưởng lợi, trong đó nổi bật là nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, xây dựng. Một số chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ kinh tế như chính sách tăng lương tối thiểu, tăng thị thực e-visa, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất điều hành... kỳ vọng sẽ tạo ra câu chuyện đầu tư với những nhóm ngành liên quan.

Thị trường chứng khoán sẽ có rất nhiều “câu chuyện” để kể, ý tưởng đầu tư nhiều hơn, từ đó thu hút được dòng tiền tham gia nhiều hơn.

Lê Đạt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ