Chứng khoán chiều 9/1: hai sàn duy trì độ nóng cao

(ĐTCK) Điều đáng chú ý trong phiên chiều nay là sức nóng từ hai nhóm dầu khí và ngân hàng đã lan tỏa rộng hơn, giúp thị trường có được mức tăng khá vững chắc. Trong nhóm ngân hàng, thêm cổ phiếu của BIDV (mã BID) vùng lên mạnh mẽ.
Chứng khoán chiều 9/1: hai sàn duy trì độ nóng cao

Mối lo ngại trong phiên giao dịch sáng là độ nóng của 2 nhóm ngành dầu khí và ngân hàng không lan tỏa được sang các mã khác đã qua. Trong phiên chiều nay, một loạt mã có thêm được lực mua tốt khiến tổng số mã tăng điểm tăng vọt tới 146 mã trên HSX và 140 mã trên HNX, chiếm gấp đôi số mã giảm điểm của 2 sàn.

Điểm đáng chú ý trong phiên chiều nay nằm ở nhóm ngân hàng. Nếu như VCB không còn duy trì trì được nhiệt độ khi mất giá trần, dù khối ngoại vẫn mua thêm thì BID, cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chính thức nổi sóng, giúp cho mã này bớt “chìm” từ khi chào sàn tới nay.

Trong nhóm dầu khí, ngoài GAS vẫn giữ vai trò đầu tàu ở mức giá trần, các cổ phiếu cùng ngành cũng được kéo cao hơn phiên sáng. Tuy nhiên chốt phiên, không nhiều mã có được mức giá cao nhất trong ngày do lực cầu phiên đóng cửa ATC không thực sự tốt như trong thời gian khớp lệnh liên tục.

Nhóm mã nóng FLC, DLG, KLF, HAI, FIT… có được lực mua tích cực hơn, nhưng cũng trong tình trạng mức giá chốt phiên đều thấp hơn mức giá cao nhất trong ngày.

Bên cạnh đó một diễn biến đáng chú ý từ nhóm mã chứng khoán khi đồng loạt tăng tốt hơn nhiều so với phiên sáng. AGR, HCM, VND, SSI, SHS, KLS… đều có lực cầu tăng đáng kể, tuy nhiên mức giá vượt so với tham chiếu đều không nhiều.

Nhìn lại diễn biến chi tiết phiên giao dịch cuối tuần 9/1, với 146 mã tăng và 68 mã giảm, VN-Index tăng 16,26 điểm (+2,94%) lên 569,73 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 11,56 điểm (+1,9%) lên 618,41 điểm với 20 mã tăng và 7 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 107,47 triệu đơn vị, giá trị 1.874,14 tỷ đồng.

Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 65,75 tỷ đồng. Ngoài 1,2 triệu cổ phiếu ITA được thỏa thuận, trị giá 8,88 tỷ đồng, đáng chú ý còn có 105.000 cổ phiếu MSN trị giá 8,87 tỷ đồng và 130.000 cổ phiếu VNM trị giá 13,39 tỷ đồng.

Tương tự, với 140 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index cũng tăng 1,54 điểm (+1,83%) lên 85,65 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 2,44 điểm (+1,5%) lên 165,51 điểm với 23 mã tăng và 5 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,63 triệu đơn vị, giá trị 394,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận trong phiên chiều nay cũng không có đóng góp.

Trên HOSE, nhóm cổ phiếu VN30 tiếp tục là động cơ chính đẩy chỉ số tăng điểm. Trong các mã trụ, mặc dù VIC quay đầu giảm 200 đồng, MSN về mốc tham chiếu, nhưng bù lại VNM lại tăng mạnh 4.500 đồng lên 103.000 đồng/CP.

Trụ đỡ GAS tiếp tục được “treo cứng” ở mức trần 74.000 đồng, thanh khoản gần như tắc trong phiên chiều nay khi bên nắm giữ cổ phiếu đã găm hàng. Tổng khớp lệnh cả phiên đạt gần 860.000 đơn vị.

Một phần nguyên nhân có lẽ còn đến từ việc HĐQT GAS đã thông qua chủ trương và phương án mua lại 10 triệu cổ phiếu trong quý I này để làm cổ phiếu quỹ với khoảng giá mua tối đa 100.000 đồng/CP.

Các mã dầu khí lớn như PVD, PVT, DPM đều tăng mạnh, trong đó PVD tăng 3.000 đồng lên 62.500 đồng/CP và khớp 1,1 triệu đơn vị, PVT khớp gần 2 triệu đơn vị và DPM là 1,67 triệu đơn vị. Nhóm cổ phiếu dầu khí nhỏ hơn cũng có mức tăng khá, trong đó PXS tăng 800 đồng lên 23.300 đồng/CP và khớp 1,17 triệu đơn vị.

Với nhóm ngân hàng, giống như phiên sáng, VCB lại tăng trần trong thời gian đầu phiên chiều và cuối phiên lại mất sắc tím, đóng cửa giữ được mức tăng 2.300 đồng lên 36.900 đồng/CP và khớp 2,28 triệu đơn vị, trong đó lượng khối ngoại mua vào chiếm 60%, tương đương 1,35 triệu đơn vị. Cầu ngoại cũng giúp STB và EBI tăng khá tốt, khớp lệnh lần lượt 1,5 triệu và 1,35 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cầu nội tiếp tục tỏ ra mạnh mẽ trong phiên chiều đối với những mã ngân hàng khác như BID, MBB, tạo đột biến trong thanh khoản. BID được kéo tăng kịch trần 14.500 đồng/CP và khớp 3,29 triệu đơn vị. MBB còn khớp tới 6,69 triệu đơn vị và tăng 700 đồng lên 14.300 đồng/CP.

Ngược lại, OGC vẫn giữ nguyên mức sàn và còn dư mua sàn 11,23 triệu đơn vị, đồng thời khớp được 2,1 triệu đơn vị.

Trong nhóm giảm điểm còn có KDC, HSG, CII, CSM..., trong đó CII khớp 3,1 triệu đơn vị, KDC khớp 1,9 triệu đơn vị.

Đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ cao, giao dịch đã cải thiện hơn trong phiên chiều nay. FLC khớp 11,57 triệu đơn vị, tăng 200 đồng lên 11.000 đồng/CP. Tương tự là ITA và mã này khớp được 8,27 triệu đơn vị. VHG chỉ còn tăng nhẹ 1 bước giá lên 12.600 đồng/CP và khớp 3,57 triệu đơn vị.

Các mã bất động sản như ASM, DLG, DXG, HAR, HQC, KBC, IDI... đều tăng điểm, thanh khoản cùng từ trên 1 triệu đến 2,7 triệu đơn vị.

Mã SAM với thông tin Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đỗ Văn Trắc đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu, nhưng phiên giao dịch này thanh khoản không cao, chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị và tăng nhẹ 100 đồng lên 13.600 đồng/CP.

Cũng giống như trên HOSE, giao dịch cũng chỉ tập trung vào nhóm HNX30. Trong đó, cổ phiếu nổi bật nhất vẫn là SHB với 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất sàn HNX, đóng cửa tăng 400 đồng lên 9.000 đồng/CP. ACB và NBV cùng giữ được mức tăng nhẹ.

Mã KLF tăng 200 đồng lên 11.100 đồng/CP và khớp 8,5 triệu đơn vị. Các mã lớn khác như SCR, KLS, HUT, SHS cùng đóng cửa ở mức giá xanh và đều khớp trên 2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục giữ được phong độ trong phiên chiều nay và góp phần lớn vào nhịp tăng chung của chỉ số. PVS tăng 1.400 đồng lên 27.500 đồng/CP và khớp 3,7 triệu đơn vị.

PVC tăng 800 đồng lên 25.300 đồng/CP và khớp 1,7 triệu đơn vị. PVX tăng nhẹ 1 bước giá và khớp 3 triệu đơn vị. PVB tăng 1.300 đồng lên 42.900 đồng/CP. PGS tăng 1.000 đồng lên 27.600 đồng/CP.

Độ bất ngờ của phiên chiều nay đã không còn lớn như trong phiên sáng. Về mặt kỹ thuật thì phiên hôm nay chắc chắn là phiên khẳng định tín hiệu về một chu kỳ tăng điểm, dù còn đó là khối lượng giao dịch chưa thực sự tốt, vẫn còn sự thận trọng nhất định.
Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khẳng định vai trò dẫn dắt thay sự "phập phù" của nhóm dầu khí. Điều này có thể tạo một hy vọng lan tỏa tốt hơn cho một chu kỳ tăng điểm dài hơn. 

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục