Chứng khoán chiều 27/1: Chuyện gì đang xảy ra với SCR, SBT?

(ĐTCK) Không biết có thông tin gì, trong phiên giao dịch chiều cả SCR và SBT đều bị ồ ạt bán ra, kéo cả 2 xuống mức sàn với dư mua cả triệu đơn vị. Diễn biến từ SCR đã khiến nhà đầu tư giật mình và “virus đỏ” đã lây lan ra khắp bảng điện tử.
Chứng khoán chiều 27/1: Chuyện gì đang xảy ra với SCR, SBT?

Tưởng chừng đà hưng phấn với sự dẫn dắt từ các cổ phiếu lớn trong nửa cuối phiên sáng sẽ giúp thị trường hứng khởi hơn trong phiên giao dịch chiều, nhưng mọi việc không như kỳ vọng.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, không biết do thông tin gì, lực bán bắt đầu gia tăng, nhất là ở SCR trên HNX và SBT trên HOSE. Từ những cú xả hàng ồ ạt tại SCR đã khiến nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn và đồng loạt đẩy bán ra ở các mã khác, kéo cả 2 sàn quay đầu giảm mạnh.

Trong khi VN-Index xuống 575,5 điểm, thì HNX-Index cũng lao xuống gần sát mức 85 điểm. Sau đó, những đợt kéo xả khiến VN-Index liên tục có những cú đảo chiều gấp trước khi đóng cửa dưới mức 580 điểm. Trong khi đó, HNX-Index có biên độ dao động hẹp hơn và đóng cửa ở trên mốc 86 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch chiều 27/1, VN-Index giảm 1,34 điểm (-0,23%), xuống 179,3 điểm. Độ rộng của thị trường được nới rộng theo hướng tiêu cực khi có tới 166 mã giảm, trong khi chỉ có 72 mã tăng. Chính nhờ sự vững mạnh của KDC, cũng như VNM và sự đóng góp của CTG, HPG, GMD, nên đà giảm của VN-Index mới được hãm lại. Tương tự, với 23 mã giảm, trong khi chỉ có 4 mã tăng, VN30-Index cũng giảm 2,66 điểm (-0,43%), xuống 609,98 điểm.

Nhờ những cú kéo xả liên tục, nên thanh khoản phiên hôm nay tăng mạnh khi có tổng cộng 157,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 2.805,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,82 triệu đơn vị, giá trị 363,82 tỷ đồng. Ngoài EIB và HQC trong phiên sáng, phiên chiều ghi nhận giao dịch lô lớn đáng chú ý tại BBC và VNM.

Trong khi đó, trên HNX, “nơi bắt nguồn virus” dĩ nhiên bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi đóng cửa, HNX-Index mất 0,92 điểm (-1,06%), xuống 86,09 điểm. Độ rộng cũng được mở rộng theo hướng tiêu cực với 124 mã giảm và 78 mã tăng. HNX30-Index giảm mạnh hơn với 2,68 điểm (-1,59%), xuống 165,94 điểm với 5 mã tăng và 21 mã giảm.

Thanh khoản trên sàn cũng tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 83,66 triệu đơn vị, giá trị 1.094,49 tỷ đồng, tăng 47% về lượng và 80% về giá trị so với phiên đầu tuần. Trong phiên hôm nay, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 5,14 triệu đơn vị, giá trị 137,34 tỷ đồng và chủ yếu là trong phiên sáng.

Như đã đề cập ở trên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cung tại SCR đột ngột tăng mạnh, những lệnh bán giá thấp ồ ạt được tung ra, hấp thụ hết lượng dư mua còn trong phiên sáng và những nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy trong phiên chiều. Kết thúc phiên, SCR được khớp hơn 19,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá sàn và ATC tới hơn 6,5 triệu đơn vị.

Chính lực bán dứt khoát và ồ ạt khiến nhiều nhà đầu tư có ý tưởng bắt đáy để đón kết quả kinh doanh quý IV phải rụt tay và không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mã này.

Điều đặc biệt là không chỉ SCR, mà cả người anh em họ "S" là SBT trên HOSE cũng chịu chung cảnh ngộ khi SBT đóng cửa còn dư bán giá sàn, dù cả 2 được khối ngoại mua vào khá tốt.
Trên một số diễn đàn đã xuất hiện vài thông tin có tính chất đồn đoán về câu chuyện tương tự như OGC với hai mã có liên quan này. Còn chính thức thì hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp không có gì quá đặc biệt.

Lực xả hàng ồ ạt tại SCR khiến những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu tại các mã có tính đầu cơ đều đồng loạt tháo hàng, kéo nhiều mã giảm mạnh như KFL, SHB, đặc biệt là ITQ từ việc chỉ còn cách giá trần 29.700 đồng chỉ 3 bước giá khi chốt phiên sáng, đã bị kéo xuống tận giá sàn 24.300 đồng trong phiên chiều, trước khi hồi nhẹ và đóng cửa phiên ở mức 26.000 đồng, giảm 1.000 đồng (-3,7%) với 2,6 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, KLF và SHB cũng chỉ đóng cửa trên mức giá thấp nhất ngày 1 bước giá. Cụ thể, KLF giảm 500 đồng (-4,42%), xuống 10.800 đồng với 12,83 triệu đơn vị được khớp, SHB giảm 200 đồng (-2,22%), xuống 8.800 đồng với 5,54 triệu đơn vị được khớp.

SHN sau khi công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng khi lỗ tới gần 80 tỷ đồng, nên dễ hiểu khi đóng cửa ở mức giá sàn 3.400 đồng.

Trên HOSE, dù chịu lực bán khá mạnh, nhưng với sự hấp dẫn của mức cổ tức khủng 20.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay gom vào, giúp KDC vững vàng ở sắc tím với 5,4 triệu đơn vị được khớp, mức cao nhất kể từ ngày 19/9/2014. VNM dù hạ nhiệt so với phiên sáng, nhưng cũng giữ được đà tăng khá tốt.

Trong khi đó, các mã có tính đầu cơ trên sàn HOSE cũng bị bán mạnh và chủ yếu đóng cửa trong sắc đỏ, ngoại trừ HAI sau thông tin được VCBS bảo lãnh phát hành 52 triệu cổ phiếu, giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, HAI đóng cửa tăng 700 đồng (+4,52%), lên 16.200 đồng với 4,54 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc đã leo lên mức giá trần 16.500 đồng.

FLC sau những phiên có giao dịch cầm chừng, cũng đã sôi động hơn trong phiên chiều nay khi có hơn 7,2 triệu đơn vị được khớp, nâng tổng khối lượng khớp cả ngày lên 9,7 triệu đơn vị. Các mã khác cũng có thanh khoản tốt trong phiên chiều khi lực bán gia tăng, trong khi bên mua vẫn kỳ vọng vào đợt tăng trước Tết của thị trường nên vẫn mua vào.

Chỉ còn 4 ngày nữa là Thông tư 36 có hiệu lực, dù nhiều ý kiến cho rằng, tác động của thông tư này đã được phản ánh hết vào giá giai đoạn trước đó, nhưng rõ ràng diễn biến ở các cổ phiếu thị trường đang cho thấy, ảnh hưởng của Thông tư 36 chưa thể sớm kết thúc.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục