Chứng khoán chiều 24/6: Tăng không nổi thì phải giảm

(ĐTCK) Bất chấp lực hỗ trợ từ khối ngoại vẫn bền bỉ, thị trường phiên chiều nay không tạo nên được niềm vui khi sức ép chốt lời từ khối nội vẫn lớn. Điều tích cực là thanh khoản đã tăng trở lại dù ngưỡng hỗ trợ 590 đứng trước nguy cơ bị phá.
Chứng khoán chiều 24/6: Tăng không nổi thì phải giảm

Không tăng được thì phải giảm, câu này khá đúng với diễn biến thị trường phiên chiều nay (24/6). Sau những nỗ lực đẩy chỉ số 2 sàn lấy lại màu xanh cuối phiên sáng, những tưởng đà tăng sẽ được nối tiếp, thì thị trường lại tạo ra sự thất vọng.

Diễn biến thị trường phiên chiều là một kịch bản quay ngược cho nửa đầu phên sáng nay. Điểm số giảm dần, giao dịch trở lại trạng thái thận trọng, các mã lớn bị ép giảm điểm,...

Bất ngờ nhỏ thuộc về Thế giới di động (mã: MWG) khi được kéo lên trần ở gần cuối phiên chiều với gần 122.000 cổ phiếu được giao dịch, chốt phiên ở mức giá 74.500 đồng/CP. MWG không có nhiều tin hỗ trợ, trước đó Công ty này bất ngờ lọt TOP "50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2015", do 2 tạp chí xuất bản tại Việt Nam bình chọn! 

Ngoài ra, một số mã được coi là hiện tượng 6 tháng đầu năm là JVC và SHN vẫn duy trì tình trang không dễ bán bởi lệnh chờ bán chất giá sàn cuối phiên của JVC lên tới hơn 10 triệu cổ phiếu, SHN là gần 600.000 cổ phiếu. Chơi mã nóng thì cũng nên chấp nhận kịch bản này một cách thanh thản.

SHN đã lập kỷ lục tăng giá 7 lần trong hơn hơn 1 năm qua.

Quay lại với diễn biến phiên chiều 24/6, với sự biến động của chỉ số về cả 2 phía, thanh khoản theo đó tăng mạnh so với phiên trước, với tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt trên 2.700 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với phiên ngày hôm qua.

Đóng cửa, với 100 mã tăng và 111 mã giảm, VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,51%) xuống 590,02 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 3,69 điểm (-0,6%) xuống 610,73 điểm với 11 mã tăng và 18 mã giảm.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 128,9 triệu đơn vị, giá trị gần 2.098 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận diễn ra sôi động với hơn 15,9 triệu đơn vị, giá trị 486,16 tỷ đồng. Đáng chú ý có 4,58 triệu cổ phiếu VIC trị giá 238,2 tỷ đồng, hơn 2 triệu cổ phiếu GMD trị giá 61,5 tỷ đồng, 3 triệu cổ phiếu GTN trị giá 30,9 tỷ đồng, 2,5 triệu cổ phiếu SAM trị giá gần 30 tỷ đồng…

Với 83 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index giảm 0,29điểm (-0,34%) xuống 86,46 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,21 điểm (+0,13%) lên 166,59 điểm với 12 mã tăng và 13 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,27 triệu đơn vị, giá trị 650,12 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,7 triệu đơn vị, giá trị 45,28 tỷ đồng.

Độ rộng trên HOSE khá cân bằng, nhưng áp lực bán gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn, nhất là tại nhóm cổ phiếu đã tăng tốt trong thời gian qua như ngân hàng và dầu khí, cho nên VN-Index mới giảm khá mạnh.

VCB là mã giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng khi mất 700 đồng. Các mã khác như STB, MBB, BID, CTG và EIC có mức giảm nhẹ, từ 100-300 đồng. Trong đó, CTG và MBB đều khớp trên 3,3 triệu đơn vị, STB khớp 2,89 triệu đơn vị, BID khớp 1,77 triệu đơn vị.

Các mã lớn khác như VNM, MSN, PVD, BVH, HPG, FPT.... cũng chìm trong sắc đỏ. HPG khớp trên 1 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán dù vẫn tăng nhưng cũng không còn mạnh như phiên sáng. SSI chỉ còn tăng tối thiểu 100 đồng và khớp 2,89 triệu đơn vị. HCM tăng mạnh 1.000 đồng và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

HAG cũng giao dịch chậm hẳn trong phiên chiều, đóng cửa tăng 400 đồng và khớp 6,69 triệu đơn vị.

Trong khi đó nhóm bất động sản diễn biến phân hóa, nhưng vẫn nghiêng về phía các mã xanh. VIC và FLC vẫn giữ được mức tăng của phiên sáng, FLC khớp mạnh nhất sàn đạt 18,7 triệu đơn vị. Mã VHG cũng giữ được mức tăng 400 đồng và khớp 5,9 triệu đơn vị.

Các mã như CDO, DLG, DXG, HHS cũng tăng điểm. Ngược lại, CII, ITA, KBC giữ sắc đỏ. HAI, HQC, IDI đứng giá tham chiếu. Các mã này đều có thanh khoản đạt trên 1 triệu đơn vị.

Nhóm khoáng sản cũng bị chốt lời mạnh, trong đó KSS và KTB nằm sàn. KTB khớp 2,79 triệu đơn vị. KSS còn dư bán sàn tới hơn 3,3 triệu đơn vị.

OGC với thông tin xấu tiếp tục nằm sàn, tuy nhiên khối lượng khớp khá cao, trên 10 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm HNX30 hỗ trợ chỉ số tốt hơn hẳn so với nhóm VN30 nhờ sự ổn định của nhóm chứng khoán, dầu khí và một vài mã bất động sản lớn trên sàn này.

SCR khớp lệnh mạnh nhất với 8,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 600 đồng. VND tăng 300 đồng và khớp hơn 2 triệu đơn vị. PVS tăng 600 đồng, PVC tăng 900 đồng, khớp lệnh lần lượt 1,8 triệu và 2 triệu đơn vị.

KLF vẫn dậm chân tại tham chiếu, FIT vẫn giảm 300 đồng, cả 2 đều khớp trên 3,2 triệu đơn vị.

VIX bị bán mạnh nên quay đầu giảm 400 đồng và khớp 2,86 triệu đơn vị. SHN giữ nguyên mức sàn 15.700 đồng, khớp lệnh 0,33 triệu đơn vị, còn dư bán sàn và ATC gần 0,6 triệu đơn vị.

Áp lực bán đã mạnh hơn hẳn trong phiên chiều nay, khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm khá sâu. Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng cao cho thấy thị trường đang chịu sức ép lớn. Với diễn biến này, thị trường phiên ngày mai được dự báo sẽ chịu không ít thử thách.

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục