“Nhà đầu tư tham gia thị trường TPCP đa dạng hơn”
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC)
Sau 6 năm vận hành, thị trường TPCP chuyên biệt đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngoài huy động được một lượng lớn vốn cho ngân sách, kỹ thuật phát hành trái phiếu đã có nhiều bước tiến tích cực khi Bộ Tài chính tăng cường phát hành trái phiếu lô lớn; thúc đẩy quá trình hoán đổi trái phiếu nhằm giảm số lượng trái phiếu, qua đó gia tăng giá trị cho các lô trái phiếu niêm yết; thông tin trên thị trường minh bạch hơn, NĐT thuận lợi trong tiếp cận thông tin.
Đặc biệt, gần đây, đối tượng tham gia thị trường đa dạng hơn. Nếu như trước đây, đa phần là các ngân hàng thương mại lớn tham gia, thì hiện có thêm các CTCK, các công ty quản lý quỹ (thông qua các quỹ chuyên đầu tư vào TPCP).
Để thị trường TPCP phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước để nới các trần khống chế về đầu tư vào thị trường TPCP.
Theo quy định của Thông tư 36, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chỉ được đầu tư 15% tổng nguồn vốn ngắn hạn để mua TPCP Việt Nam, trong khi tỷ lệ này với ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là 35%. Vì các hạn chế này mà diễn biến từ thị trường cho thấy, không chỉ gần như ngừng hẳn việc mua vào TPCP Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài gần đây còn phải bán ra để về mức trần mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, trong khi họ vẫn có nhu cầu mua thêm.
Bên cạnh việc tiếp tục phát hành các loại TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép phát hành một lượng TPCP có kỳ hạn 2 - 3 năm, để phù hợp với khẩu vị rủi ro của thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch, thanh toán, lưu ký TPCP cần được hiện đại hóa hơn nữa, để vừa tạo thuận lợi cho các thành viên tham gia, vừa thúc đẩy thị trường TPCP phát triển ngày càng chuyên nghiệp, qua đó giúp Chính phủ huy động vốn tốt hơn.
“Thuận lợi hơn cho NĐT giao dịch trên thị trường TPCP”
Bà Đặng Thị Quyên,Trưởng bộ phận Kinh doanh trái phiếu, CTCK BIDV (BSC)
Bắt đầu từ tháng 5/2015, HNX đã thí điểm triển khai Hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ trực tuyến (E-BTS) đến các thành viên thị trường. Do hệ thống này được phát triển trên nền tảng công nghệ Internet, nên thuận lợi hơn cho NĐT giao dịch trên thị trường TPCP, cũng như dễ dàng hơn trong tiếp cận các thông tin đa dạng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Để thúc đẩy thị trường TPCP ngày càng phát triển chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế, một trong những giải pháp trọng tâm thời gian tới là nên đưa vào giao dịch một số sản phẩm mới như hợp đồng tương lai TPCP khi TTCK phái sinh chính thức đi vào hoạt động.
Để triển khai sản phẩm này hiệu quả, ngoài tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán…, nhà quản lý cần tăng cường truyền thông, đào tạo rộng rãi sản phẩm này đến công chúng đầu tư, để họ dần hiểu về sản phẩm, từ đó quan tâm giao dịch khi sản phẩm này được triển khai.
Các cấp quản lý cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường TPCP cơ sở, để vừa khắc phục một số bất cập hiện hành, vừa tạo nền tảng tốt cho triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh.
“Quy mô và thanh khoản của thị trường TPCP tăng trưởng ấn tượng”
Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Kinh doanh vốn và trái phiếu, CTCK Vietcombank (VCBS)
Tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 505.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2009. Quy mô thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 5 năm qua, được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3.
Thanh khoản của thị trường có sự chuyển biến đáng kể. TPCP trở thành kênh huy động vốn đóng vai trò quan trọng (chiếm 21,25% GDP) cho ngân sách nhà nước và là lãi suất chuẩn (benchmark) cho thị trường trái phiếu nói chung. Tuy nhiên, thị trường TPCP có một số điểm cần khắc phục như: kế hoạch phát hành chưa sát với thực tế; sản phẩm và các kỳ hạn chưa đa dạng; cơ chế thanh toán và lưu ký vẫn còn hạn chế.
Là một trong những thành viên đầu tiên của thị trường trái phiếu, VCBS luôn tích cực tham gia trên nhiều lĩnh vực, thị phần trái phiếu sơ cấp và thứ cấp luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường…
Để thị trường trái phiếu hấp dẫn hơn, VCBS cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm như triển khai các sản phẩm phái sinh: Bond Future, Bond Forward, Bond Index, bán khống để gia tăng các công cụ đầu tư, tăng tính thanh khoản cho thị trường, qua đó thu hút hơn các luồng vốn khác từ công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, các tổ chức nước ngoài.
“HNX có nhiều nỗ lực phát triển thị trường TPCP”
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng phòng Khách hàng tổ chức, CTCK Bảo Việt (BVSC)
Thời gian qua, HNX đã có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường trái phiếu nói chung, thị trường TPCP nói riêng. Điều này thể hiện qua quy mô thị trường được nâng lên nhanh chóng, đặc biệt trong những năm gần đây. Ví dụ, năm 2011, quy mô phát hành TPCP sơ cấp chỉ đạt trên 90.000 tỷ đồng, thì đến năm 2014 đã tăng gần 3 lần, lên đến 245.000 tỷ đồng.
Thủ tục tham gia đấu thầu sơ cấp cũng như giao dịch thứ cấp nhanh hơn, được điện tử hóa, giảm các khâu làm việc thủ công, tiết kiệm được công sức cho các thành viên và NĐT, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chậm trễ trong quá trình đặt lệnh, rút ngắn thời gian thanh toán và lưu ký chứng khoán đối với các giao dịch sơ cấp, thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc không phát hành TPCP kỳ hạn 2 - 3 năm đang ảnh hưởng lớn tới thanh khoản của thị trường. Thời gian thanh toán quy định là T+1, nhưng thực chất là T+2 mới được sử dụng trái phiếu mua về, làm giảm tính thanh khoản của thị trường…
Là thành viên hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu thông qua tham gia góp ý cho dự thảo các văn bản pháp quy, duy trì thị phần môi giới ở mức 10% trên thị trường thứ cấp trong nhiều năm liền…, BVSC cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy thị trường TPCP phát triển chuyên nghiệp hơn, cần hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Cần chấn chỉnh lại việc phát hành sơ cấp theo các kỳ hạn chuẩn để giúp NĐT ổn định dòng tiền và tăng chất lượng quản lý danh mục trái phiếu, đồng thời giúp thị trường phản ánh đúng kỳ vọng về lãi suất và kỳ hạn của NĐT.
Ngoài ra, cần rút ngắn thời gian thanh toán và lưu ký trên thị trường sơ cấp để sớm đưa trái phiếu vào lưu thông, tăng thanh khoản cho thị trường.
Việc thanh toán trên thị trường thứ cấp cần hoàn thành vào 10 giờ ngày T+1 để NĐT có thể sử dụng được tiền và trái phiếu ngay trong ngày T+1 theo đúng bản chất ngày thanh toán T+1. Cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống cho triển khai sản phẩm phái sinh trái phiếu, nhằm tăng khả năng phòng ngừa rủi ro, tăng thanh khoản và đa dạng hóa NĐT cho thị trường.