Chứng khoán bước sang… tuổi trưởng thành

(ĐTCK) 77,7% GDP là con số vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tại thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) tròn 18 năm khai trương hoạt động (20/7/2000-10/7/2018). 
Chứng khoán bước sang… tuổi trưởng thành

Cùng với đó, thị trường trái phiếu có quy mô niêm yết đạt 1,056 triệu tỷ đồng, tương đương 21% GDP) và TTCK phái sinh đã có hơn 35.000 tài khoản giao dịch được mở, dù mới chỉ hoạt động chưa đầy 1 năm.

Ðó là những con số sơ lược nhất về hình ảnh TTCK Việt Nam sau 18 năm đầu tiên xây dựng. Khai trương ngày 20/7/2000 và sau đó mở cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000 với hai mã cổ phiếu REE và SAM, những người khởi tạo và tâm huyết xây dựng thị trường có lý do để hạnh phúc, khi nền chứng khoán Việt Nam được xác lập thành công và lớn mạnh.

Bước sang tuổi 19, tuổi trưởng thành của “một công dân”, TTCK Việt Nam sẽ bước tiếp như thế nào? Chỉ đạo ngành tài chính, chứng khoán trong cuộc họp ngày 18/7/2018, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính sớm có giải pháp nâng hạng TTCK, đánh giá đúng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm của TTCK phái sinh.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm các hành vi gian lận, làm giá, đầu cơ trên TTCK, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Bộ Tài chính sớm triển khai Ðề án tái cấu trúc TTCK theo quyết định của Thủ tướng để giảm chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư.

Về nâng hạng, trong báo cáo xếp hạng mới nhất của MSCI (Morgan Stanley Capital International) công bố tháng 6/2018, TTCK Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường cận biên và tiến sát tới các thị trường mới nổi.

So sánh với các tiêu chí của thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam thực tế đã đạt được nhiều tiêu chuẩn mà MSCI đưa ra về mặt định lượng.

Cụ thể, với hàng loạt doanh nghiệp tỷ USD trên sàn, TTCK Việt Nam có đủ số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI như Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát..., xét trên giá trị vốn hóa và thanh khoản cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên, để được nâng hạng và tăng sức hấp dẫn  dòng vốn quốc tế chảy vào TTCK thì còn một số tiêu chí định tính mà Việt Nam cần phải hoàn thiện. Ðây là điểm riêng ngành chứng khoán không tự giải quyết được, mà cần có sự phối hợp ở cấp cao hơn.

Vào thời điểm TTCK tròn 18 tuổi, chỉ đạo của Phó Thủ tướng về câu chuyện nâng hạng mang đến niềm tin cho các thành viên thị trường: quãng đường xử lý những vướng mắc để Việt Nam được xếp vào bảng thị trường mới nổi sẽ không còn xa.

Về kỷ cương, chứng khoán là thị trường của niềm tin và tuổi 18 là đủ để mọi hoạt động của các thành viên trên thị trường này cần được xem xét, minh định về quyền và trách nhiệm theo quy định luật pháp.

Dù nhà quản lý đã nỗ lực, nhưng thị trường vẫn tồn tại những dấu hiệu bất thường, tạo nên những nghi vấn về chất lượng doanh nghiệp lên sàn, chất lượng giao dịch, chất lượng kiểm toán, chất lượng công bố thông tin…, rất cần những giải pháp mạnh mẽ để giám sát, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, các hành vi gian lận trên TTCK.

Tuổi 19, TTCK đứng trước cơ hội lớn khi đã xác lập được vị thế là phong vũ biểu của nền kinh tế; khi các dòng vốn lớn trong và ngoài nước thường trực quan tâm đến cơ hội đầu tư chứng khoán và khi Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức được trình Quốc hội xem xét vào đầu năm 2019.

Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển bền vững và duy trì đà tăng trưởng cao của nền kinh tế vĩ mô, hy vọng TTCK có điểm tựa vững chắc để vươn lên và hội nhập trong “tuổi trưởng thành”. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục