Chứng khoán bị chi phối bởi “lòng tham và nỗi sợ hãi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, hai năm qua, thị trường chứng khoán bị chi phối bởi “lòng tham và nỗi sợ hãi”, thay vì quan hệ cung - cầu, nên năm 2022 có thể biến động mạnh về giá cổ phiếu, mặc dù bệ đỡ kinh tế vĩ mô khá tốt. 
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020.

Dự báo lạm phát trên thế giới đang nhận được những ý kiến trái chiều. Ông có bình luận gì về vấn đề này và lạm phát từ bên ngoài sẽ tác động ra sao đến lạm phát trong nước?

TS. Lê Xuân Nghĩa.
TS. Lê Xuân Nghĩa.

Một số dự báo quốc tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, năm 2022, lạm phát sẽ dịu xuống ở Mỹ do chuỗi cung ứng phục hồi, chi phí liên quan đến cung ứng hàng hoá giảm và điều này khiến tình trạng khan hiếm nguyên nhiên vật liệu giảm, đặc biệt là nguồn cung hàng hoá tăng lên, do sản xuất hồi phục.

Tôi cho rằng, đánh giá này không đúng, vì Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chịu lạm phát cầu kéo do một khối lượng tiền cung ứng khổng lồ đã được triển khai từ năm 2020 sẽ đẩy lạm phát năm 2022 lên. Nói cách khác, lạm phát năm 2022 sẽ ở mức cao, là sự kết hợp của 2 yếu tố: một là, lạm phát chi phí đẩy đang có xu hướng dịu đi nhưng vẫn còn (khí đốt, xăng dầu, vật liệu cơ bản…); hai là, lạm phát cầu kéo do tăng cung tiền đang gia tăng và là lạm phát dài hạn.

Vì vậy, tỷ lệ lạm phát năm 2022 của thế giới nhiều khả năng trong khoảng 3 - 3,5%, nhưng lạm phát tại Trung Quốc ở mức thấp khoảng 1,5% sẽ hỗ trợ lạm phát thế giới không tăng mạnh.

Còn ở Việt Nam, hiện tại, lạm phát vẫn mang đặc điểm của lạm phát chi phí đẩy, nghĩa là lạm phát do cung yếu, chi phí cung ứng vận chuyển cao, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu từ bên ngoài cao. Tuy nhiên, mức lạm phát không đáng lo ngại, bởi cuối năm 2021 là dưới 2% và dự báo năm 2022 sẽ ở xung quanh mức này.

Điểm đáng chú ý là Việt Nam chưa có lạm phát cầu kéo do cung tiền được kiểm soát tốt, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và lạm phát cơ bản (lạm phát tiền tệ) cũng ở mức thấp, dưới 1%.

Nhìn xa hơn về triển vọng các gói kích thích kinh tế dự kiến được tiến hành cả về quy mô cũng như cách thức thực hiện khó có thể gây áp lực lớn về lạm phát nếu như cung tiền được kiểm soát tốt như hiện tại, dù điều này cho thấy một khía cạnh khác, đó là hiệu ứng gói kích thích đối với tăng trưởng kinh tế sẽ không lớn.

Tóm lại, lạm phát năm 2022 ở Việt Nam dự báo chịu tác động ở mức tương đối thấp, không có những đột biến, với điều kiện Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được cung tiền.

Như ông đã đề cập, nới lỏng cung tiền quá sẽ dễ làm tăng rủi ro tài chính và tạo áp lực đến lạm phát, nhưng chặt quá thì quá trình phục hồi kinh tế có thể không đạt kế hoạch. Vậy chính sách tiền tệ nên như thế nào trong năm 2022?

Tôi cho rằng, với những nền tảng đã có từ năm 2021, chính sách tiền tệ năm 2022 về cơ bản đảm bảo được tính ổn định trong dài hạn và linh hoạt trong ngắn hạn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể duy trì cao hơn năm 2021 (12%) khoảng 1 - 2% (13 - 14%).

Bắt đầu tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước nên giảm dần giãn, hoãn nợ dành cho doanh nghiệp, cho phép các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro để đối phó với tình trạng nợ xấu đang gia tăng trên diện rộng.

Đối với câu chuyện lãi suất, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì lãi suất như ở mức như hiện nay, hoặc có thể điều chỉnh tăng trên dưới 1%, chứ khó có khả năng giảm lãi suất, bởi điều này sẽ ngược với xu thế lãi suất của thế giới đang tăng.

Cụ thể hơn, nếu các nước trên thế giới đang tăng lãi suất mà trong nước đi theo chiều ngược lại thì Việt Nam sẽ rơi vào tình huống bất lợi, bởi vì đồng Việt Nam neo chặt vào USD.

Diễn biến có liên quan là thị trường ngoại hối. Trên nền tảng lãi suất thấp, ít biến động, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế có thể tiếp tục cân bằng, nên tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ ổn định.

Mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020 và gần bằng quy mô GDP. Sự tăng trưởng ngoạn mục này được cho là có sự hỗ trợ tích cực của chính sách tiền tệ. Ông có dự báo gì về thị trường chứng khoán năm 2022?

Để nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta cần có cái nhìn toàn cảnh với thị trường chứng khoán thế giới.

Thị trường Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế nếu như ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, khiến thị trường chứng khoán quốc tế suy giảm, điều này sẽ tác động tới thị trường trong nước.

Cụ thể, tác động ở hai khía cạnh: thứ nhất, đầu tư khối ngoại quay trở lại; thứ hai, tác động tiêu cực về tâm lý đối với nhà đầu tư.

Về lý thuyết, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ là bệ đỡ vô cùng quan trọng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam trong hai năm qua có những biến động bất thường: tổng giá trị vốn hoá tăng gần gấp đôi năm 2019, số lượng tài khoản mới tăng 60%/năm, chỉ số chứng khoán tăng 80%, đặc biệt chỉ số trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng gấp 3.

Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại bán ròng xấp xỉ 1 tỷ USD, dù tiền bán ròng vẫn đang ở Việt Nam hoặc chuyển sang mua trái phiếu.

Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu nóng, hàng chục công ty thua lỗ trên 5 quý mà giá cổ phiếu vẫn tăng, thấp nhất là 50% và cao nhất là 250%. Đó là chưa kể, hàng loạt công ty báo cáo kết quả kinh doanh có lãi, nhưng báo cáo dòng tiền thì âm liên tục 2 năm liền.

Đây là hiện tượng các nhà kinh tế thế giới gọi là thị trường đã thoát ra khỏi sự chi phối bởi quan hệ cung cầu, mà bị chi phối bởi “lòng tham và nỗi sợ hãi”. Vì vậy, năm 2022, thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh về giá cổ phiếu, mặc dù bệ đỡ kinh tế vĩ mô khá tốt.

Nhà quản lý cần đưa ra các chính sách, khuyến cáo để rà soát, làm lành mạnh hoá thị trường, tránh cú sốc trong tương lai do hiệu ứng mua - bán theo bầy đàn. Dự báo, giá cổ phiếu trong năm 2022 sẽ có sự phân hoá mạnh. Các ngành thuận theo chu kỳ phục hồi kinh tế có thể giữ được mức tăng giá hợp lý như xây dựng, dịch vụ…

Những ngành trung tính (kinh tế lên hay xuống vẫn thế), thiết yếu như dịch vụ ngân hàng, thực phẩm, y tế, giáo dục… có thể mức độ tăng giá sẽ chậm lại, hoặc giảm giá. Một số ngành đi ngược với chu kỳ của xã hội, giá có nguy cơ giảm sâu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được thị trường kỳ vọng sẽ là đại diện của sự “hồi sinh” kinh tế trong năm 2022, ông có nhận xét gì?

Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm trụ cột của thị trường, có tốc độ tăng giá nhanh trong năm 2021 do báo cáo tài chính hàng quý với kết quả rất tốt được công bố.

Tuy nhiên, khi Chính phủ giảm dần gói hỗ trợ, giãn, hoãn nợ, tăng trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của nhiều ngân hàng có thể sẽ giảm cả trong ngắn hạn và trung hạn (trong bối cảnh “room” tín dụng vẫn thấp, tỷ trọng lợi nhuận từ khu vực dịch vụ thấp và mức độ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay).

Ngân hàng là nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn trên thị trường nên tác động tới các chỉ số khá lớn. Đây là điều mà các nhà đầu tư, nhà quản lý cần phải lưu tâm.

Cụ thể, đa dạng danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro; đầu tư theo nhóm cổ phiếu và nhóm nhà đầu tư có sự tư vấn của các chuyên gia, tránh đầu tư vào doanh nghiệp yếu; cơ quan thanh tra, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước rà soát các quy định về cung cấp thông tin, phát hành cổ phiếu, chống đầu cơ, gian lận, giao dịch nội gián…

Tất cả những vấn đề trên nếu không giải quyết nhanh và bài bản thì hậu quả sẽ khôn lường đối với các nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện thị trường tài sản khác như bất động sản, vàng đang “nóng” lên.

Việc ổn định thị trường trong thời gian tới là rất quan trọng. Riêng hệ thống ngân hàng cũng cần phải có chiến lược tài chính hợp lý để tăng trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát nợ xấu mà vẫn giúp cổ phiếu hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư ngoại.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ