Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, quan trọng nhất là thị trường đã nén đủ sâu, chực chờ tin tốt để có thể bật tăng.
Trong khi trước đó, khối nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6 phiên tiếp, tính cả phiên 3/12 là 7 phiên, tín hiệu tốt giúp tâm lý các nhà đầu tư trong nước tích hơn.
“Cú huých” cho thị trường đến từ thông tin quốc tế, cởi bỏ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu về chiến tranh thương mại, trong khi nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ổn định, lo lắng về lạm phát được giảm thiểu khi giá dầu đang khiến chỉ số giá tiêu dùng giảm theo.
Gần đây, giá dầu có diễn biến giảm nhanh, từ 75 USD/thùng xuống 60 USD/thùng, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về dư thừa nguồn cung.
Thực tế cho thấy, thông tin tích cực từ cuộc gặp gỡ Mỹ - Trung bên lề hội nghị G20 đã giúp chứng khoán thế giới có phiên bùng nổ. Thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận chỉ số Hang Seng tăng 2,55%, Nikkei tăng 1%, Shang Hai tăng 2,57%...
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp VN-Index tăng 25 điểm (+2,7%), đóng cửa phiên 3/12 tại 951,6 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 2,7%, đóng cửa tại 107,6 điểm. Thanh khoản tăng mạnh trên cả hai sàn.
Nhìn vào nhóm cổ phiếu VN30, thị giá hiện ngang bằng với đầu năm, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng trên 20%, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng 40%, nên giá cổ phiếu nhóm này đang hấp dẫn. - Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VIS.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận xét, thị trường toàn cầu “chìm nghỉm” trong nhiều tháng qua, như một chiếc lò xo bị nén xuống, nên thông tin về kết quả thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là kịch bản thỏa thuận tốt ngoài mong đợi.
Chính vì vậy, “hiệu ứng lò xo nén” đã giúp thị trường khi xuất hiện thông tin tích cực có độ nẩy lên rất mạnh.
Sức nẩy này đi kèm với yếu tố thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn, khó giảm thêm, do đó xảy ra hiện tượng dòng tiền “tranh cướp”. Dự báo, VN-Index sẽ tiến lên vùng 980-1.000 điểm, sau đó “lình xình”, có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Khi thị trường đã tăng 5 - 10% thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường.
Theo ông Ngọc, tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp năm nay dự báo đạt khoảng 19%, vẫn là con số cao, nhưng cần lưu ý, một số ngành đã đạt mức tăng trưởng có thể xem là “đỉnh mới”, đồng nghĩa với khả năng năm sau sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn.
Dĩ nhiên, khi thị trường có đủ các yếu tố hấp dẫn, dòng tiền sẽ lại “khởi động” cuộc chơi mới. Ngoài ra, trong tháng 12 này, có một số vấn đề đáng quan tâm như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục.
Hai quỹ FTSE ETF và VNM ETF chuẩn bị chốt dữ liệu tính toán thay đổi danh mục trong kỳ quý IV/2018, theo đó FTSE ETF sẽ công bố vào ngày 7/12 và VNM ETF công bố vào ngày 14/12.
Còn theo ông Khanh, hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn tốt, một phần nhờ nguồn vốn vay đang thấp hơn, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên lãi vay khoảng 8 - 9 lần, cao so với năm 2012 là 3,5 lần (giai đoạn có lãi suất rất cao).
Nhìn vào nhóm cổ phiếu VN30, thị giá hiện ngang bằng với đầu năm, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng trên 20%, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng 40%, nên giá cổ phiếu nhóm này đang hấp dẫn. Ông Khanh lưu ý, năm 2019, lãi suất có thể cao hơn.
Đối với thị trường quý I/2019, ông Ngọc có góc nhìn lạc quan khi Fed đang có tín hiệu làm chậm (giãn dần) quá trình tăng lãi suất, nếu tháng 12 năm nay tăng thì có thể tới tháng 6 năm sau mới tăng tiếp. Khi đó, thị trường giảm bớt mối lo ngại thường trực.
Đồng thời, quý I, khối ngoại thường giải ngân ròng, các ngân hàng và công ty chứng khoán cũng mở rộng danh mục cho vay hơn để thúc đẩy năm kinh doanh mới.