ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC, người gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập về kế hoạch đón cơ hội mới sau tái cấu trúc của BVSC.
Được kỳ vọng khá nhiều từ đầu năm, nhưng dường như năm 2015 là một năm khó khăn với toàn TTCK, đặc biệt là nhóm các CTCK khi thị trường liên tục trồi sụt, thanh khoản không có sự bứt phá. Theo ông, nguyên nhân đến từ đâu?
Trước tiên, tôi cho rằng, thị trường bị tác động bởi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/2/2015. Trong đó, điều chỉnh hạn mức cho vay kinh doanh, đầu tư cổ phiếu của các ngân hàng thương mại từ 20% vốn điều lệ xuống còn 5% vốn điều lệ.
Quy định này khiến nguồn tiền dành cho giao dịch ký quỹ (margin) trên thị trường bị thu hẹp. Đây có thể là nguyên nhân khiến thị trường không tạo được sự đột biến kể cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản tại các nhịp phục hồi trong năm. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong 9 tháng đầu năm 2015 chỉ bằng khoảng 86% cùng kỳ năm 2014.
Thứ hai là các yếu tố khách quan của thị trường thế giới. Cụ thể, sự lao dốc của giá dầu thế giới đã tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu dầu khí, vốn là nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, từ đó tạo áp lực đối với VN-Index. Tiếp đó là sự thoái trào của TTCK Trung Quốc và áp lực điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Đây có thể coi là những nguyên nhân chính và có vai trò chi phối lớn tới các đợt sụt giảm của thị trường trong năm 2015.
Ông Nhữ Đình Hòa
Dù thị trường không có nhiều thuận lợi như dự báo, nhưng 9 tháng đầu năm, BVSC hoàn thành 70% kế hoạch lợi nhuận năm, đặc biệt là việc xóa lỗ lũy kế đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch đặt ra trước đó. Ông có thể chia sẻ yếu tố nào đã giúp BVSC có được những kết quả đáng ghi nhận này?
Đúng là điều kiện thị trường không thuận lợi như dự báo, nhưng chúng tôi vẫn bám sát các chỉ tiêu kinh doanh do ĐHCĐ 2015 thông qua. Kết thúc quý III/2015, báo cáo tài chính của BVSC ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 211,96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 84,21 tỷ đồng, lần lượt bằng 70,8% và 70,2% kế hoạch năm.
Đặc biệt, BVSC đạt được mục tiêu quan trọng nhất đã cam kết với cổ đông là xóa hết lỗ lũy kế ngay khi kết thúc quý I/2015. Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi có thể thực hiện các cam kết tiếp theo như kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông ngay trong năm nay, cũng như xây dựng kế hoạch, chiến lược trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Công ty nhằm đưa BVSC phát triển bền vững.
Kết quả trên có được là nhờ nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên BVSC, quyết tâm triển khai đồng bộ tất cả các mảng nghiệp vụ kinh doanh, trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn chính: hoạt động môi giới và các dịch vụ tài chính hỗ trợ NĐT; hoạt động tự doanh; hoạt động tư vấn. Bên cạnh đó, công tác quản trị rủi ro được thực thi cẩn trọng đã giúp chúng tôi đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi và mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Được biết, BVSC đang tập trung tăng vốn, kiện toàn bộ máy hoạt động, nâng cao năng lực quản trị. Đây có phải là sự chuẩn bị nhằm đón đầu những cơ hội mới của thị trường, nhất là khi nhiều sản phẩm mới sắp được cơ quan quản lý cho phép triển khai như chứng khoán phái sinh, giao dịch trong ngày T+0…? Công ty nhìn nhận thế nào về các sản phẩm mới này?
Việc cho phép vận hành và phát triển thị trường phái sinh là một bước tiến cần thiết trong lộ trình phát triển của TTCK Việt Nam. Sân chơi này sẽ cung cấp thêm các sản phẩm quản trị rủi ro cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của các loại hình sản phẩm mới này và xác định đây là cơ hội kinh doanh cho các CTCK nói chung và BVSC nói riêng trong tương lai. Cùng với việc cho phép thực hiện giao dịch T+0 và giao dịch chứng khoán trên đường về, chúng tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng về thanh khoản của thị trường trong năm tới.
Với vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ, để đón nhận những cơ hội kinh doanh này, BVSC đã và đang có sự chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, cũng như đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin…, qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho khách hàng, các nhà đầu tư.
Chiến lược sắp tới của BVSC hướng tới mảng dịch vụ nào làm chủ lực cho sự phát triển chung của Công ty sau tái cấu trúc?
Sau giai đoạn tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, giải quyết xong bài toán xóa lỗ lũy kế, chúng tôi đã có những hoạch định chiến lược giai đoạn 2015 - 2020 nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Theo đó, chúng tôi tiếp tục tập trung vào các mảng dịch vụ vốn là thế mạnh của BVSC, đó là môi giới và tư vấn, đặc biệt là tư vấn cổ phần hóa và M&A khi Chứng khoán Bảo Việt đã xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Riêng đối với hoạt động tự doanh, chúng tôi sẽ triển khai trên quan điểm thận trọng và linh hoạt theo cơ hội thị trường.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch hợp tác sâu và rộng hơn với các đơn vị trong công ty mẹ Tập đoàn Bảo Việt để cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói cho khách hàng, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu Chứng khoán Bảo Việt nói riêng, Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm nói chung.
Là một trong những người đầu tiên góp phần tạo dựng nên BVSC và gắn bó với Công ty trong suốt 15 năm qua, ông có thể chia sẻ đôi điều về chặng đường tiếp theo của BVSC?
Chúng tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thị trường cũng như của BVSC. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng tự hào, không đơn thuần là khắc phục lỗ lũy kế, tái cơ cấu hoạt động để đưa hoạt động kinh doanh của Công ty phát triển bền vững, ổn định, mà chúng tôi còn duy trì được đội ngũ nhân sự luôn tràn đầy nhiệt huyết, gắn bó hết mình với Công ty ngay cả thời khắc khó khăn nhất.
Cá nhân tôi và các đồng nghiệp tại BVSC coi là đây là một tài sản quý báu và sẽ tiếp tục tinh thần này trong chặng đường phát triển tiếp theo của Công ty.