Chứng khoán ảm đạm trước kỳ nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/11) khi thị trường rục rịch chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ với hàng loạt dữ liệu kinh tế.
Chứng khoán ảm đạm trước kỳ nghỉ lễ

Thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 71.000 xuống còn 199.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 20/11, mức thấp nhất trong 52 năm. Hoạt động kinh tế Mỹ đang tăng tốc sau một năm bị tàn phá bởi tình trạng thiếu hụt lao động, lạm phát cao và đại dịch.

Mặt khác, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Tư đã điều chỉnh tăng nhẹ GDP quý IV nước này từ mức 2,1% lên 2,2%. Trong khi đó, Fed Atlanta nâng ước tính tăng trưởng GDP quý IV lên 8,6% từ mức 8,2%. JPMorgan cũng nâng dự báo của mình lên mức 7,0% từ mức 5,0%.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, ghi nhận tăng 0,4% trong tháng 10, sau mức tăng 0,2% trong tháng 9. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE cốt lõi tăng 4,1%, tăng lớn nhất kể từ tháng 1/1991.

Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố vào ngày thứ Tư cho thấy, các quan chức ngân hàng trung ương đã sẵn sàng đẩy nhanh thời điểm để giảm nhịp độ mua tài sản và nâng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu giảm trong phiên đã giúp cổ phiếu công nghệ phục hồi nhẹ. Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, tăng 1,1%.

Chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch vào ngày thứ Năm (25/11) nghỉ Lễ Tạ ơn và đóng cửa sớm vào ngày thứ Sáu (26/11).

Nasdaq Composite và S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh trong khi Dow Jones giảm. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đều đang có diễn biến tiêu cực.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Dow Jones giảm 9,42 điểm (-0,03%), xuống 35.804,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,76 điểm (+0,23%), lên 4.701,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 70,09 điểm (+0,44%), lên 15.845,23 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh tình hình dịch bệnh căng thẳng trước thềm Lễ Tạ ơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người chết vì Covid-19 tại châu Âu có thể lên đến 2,2 triệu người trong mùa đông nếu tình hình lây nhiễm tại châu lục này cứ tiếp tục như hiện nay.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,63 điểm (+0,27%), lên 7.296,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 58,61 điểm (-0,37%), xuống 15.878,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,39 điểm (-0,03%), xuống 7.042,23 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm do các cổ phiếu định hướng tăng trưởng lùi bước trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại rằng Fed có thể tăng tốc thắt chặt chính sách để đối phó với rủi ro lạm phát ngày càng gia tăng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ với đà tăng của nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống và khai thác than.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ động lực từ cổ phiếu Meituan và AIA.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ khi giới đầu tư ngày một tin vào việc Fed sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 471,45 điểm (-1,58%), xuống 29.302,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,61 điểm (+0,10%), lên 3.592,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 33,92 điểm (+0,14%), lên 24.685,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 3,04 điểm (-0,10%), xuống 2.994,29 điểm.

Giá vàng đêm qua đi ngang sau khi loạt dữ liệu kinh tế khá khả quan được công bố. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu giảm và đồng USD yếu hơn cũng kìm hãm đà rơi sâu của giá vàng.

Kết thúc phiên 24/11, giá vàng giao ngay giảm 0,60 USD (-0,03%), xuống 1.789,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,50 USD (+0,03%), lên 1.784,30 USD/ounce.

Giá dầu ổn định vào thứ Tư khi các nhà đầu tư băn khoăn về tính hiệu quả của biện pháp giải phóng dầu dự trữ do Mỹ đề xuất.

JPMorgan Global đánh giá, bất kỳ tác động nào lên giá dầu từ việc giải phóng dầu thô dự trữ sẽ không duy trì được lâu. Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ vượt qua mức năm 2019 vào tháng 3/2022.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden trước đó cho biết Washington sẽ giải phóng 50 triệu thùng từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR) và bắt đầu tung ra thị trường trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 12.

Đây là động thái phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh nhằm nỗ lực hạ nhiệt giá dầu sau khi các nhà sản xuất OPEC+ liên tục phớt lờ lời kêu gọi đẩy nhanh việc tăng sản lượng.

Kết thúc phiên 24/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,11 USD (-0,1%4), xuống 78,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,07%), xuống 82,25 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục