Nhà đầu tư hoan nghênh Chủ tịch Fed tiếp tục giữ ghế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall trải qua phiên thứ Hai đầu tuần (22/11) đầy biến động khi đảo chiều từ đà tăng mạnh trong phiên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông sẽ đề cử Chủ tịch Jerome Powell tiếp tục lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đóng cửa ở mức gần như không đổi.
Nhà đầu tư hoan nghênh Chủ tịch Fed tiếp tục giữ ghế

Mở cửa phiên đầu tuần mới, chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Jerome Powell làm Chủ tịch Fed nhiệm kỳ hai. Thống đốc Fed Lael Brainard, ứng cử viên hàng đầu khác cho vị trí này, sẽ là phó chủ tịch, Nhà Trắng cho biết.

Phát biểu về quyết định trên, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định tin tưởng vào ông Powell, đồng thời cho rằng nền kinh tế đòi hỏi “sự ổn định và độc lập”.

“Chúng ta không thể chỉ quay trở lại vạch xuất phát trước đại dịch, chúng ta cần xây dựng nền kinh tế lớn mạnh hơn và tôi tin tưởng rằng Chủ tịch Powell và Thống đốc Brainard với chính sách tập trung giữ lạm phát ở mức thấp, giá cả ổn định và toàn dụng lao động sẽ giúp nước Mỹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết ”, ông Biden nói.

Ông Powell được hoan nghênh bởi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ không có thay đổi lớn ở Fed sau những chính sách định hướng nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã triển khai.

Lĩnh vực ngân hàng thuộc S&P 500 tăng 2% sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt sau thông tin trên. Trong khi cổ phiếu Wells Fargo tăng hơn 3% thì cổ phiếu JPMorgan tăng 2,1%, còn cổ phiếu Morgan Stanley tăng gần 2,5%.

Tuy nhiên, tình hình Covid-19 lan rộng đã gây áp lực mạnh vào cuối phiên khiến thị trường đột ngột lao dốc, gần như xoá bỏ đà tăng trước đó. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo nước này đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 và đang đối mặt với nguy cơ hệ thống y tế quá tải.

Bên cạnh đó, cổ phiếu công nghệ kéo lùi Nasdaq. Cổ phiếu Amazon giảm 2,8%, Alphabet giảm 1,8%, Spotify giảm 5,6% và Netflix giảm 2,9%.

Ngược lại, cổ phiếu Tesla tăng 1,7% sau khi CEO Elon Musk tuyên bố Model S Plaid "có thể" sẽ đến Trung Quốc vào khoảng tháng 3 năm sau. Tesla gần như đã hồi phục sau đợt bán tháo mạnh vào đầu tháng này, bắt đầu sau khi Musk thăm dò ý trên Twitter về việc liệu có nên bán bớt cổ phần sở hữu tại hãng xe điện hay không.

Tuần này, nhà đầu tư đang chờ đợi loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm số liệu về hoạt động kinh doanh do IHS Markit nghiên cứu, dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân và biên bản cuộc họp mới nhất của Fed.

Dow Jones đóng cửa trong sắc xanh trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite giảm điểm. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đều đang có diễn biến tích cực.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Dow Jones tăng 17,27 điểm (+0,05%), lên 35.601,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,02 điểm (-0,2%), xuống 4.682,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 202,68 điểm (-1,26%), xuống 15.854,76 điểm.

Chứng khoán châu Âu phiên ngày thứ Hai hưởng ứng thông tin ông Jerome Powell được đề cử nhiệm kỳ Chủ tịch Fed, kìm hãm bớt đà lao dốc do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Hai cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cần các biện pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 31,89 điểm (+0,44%), lên 7.255,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 44,28 điểm (-0,27), xuống 16.115,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,29 điểm (-0,10%), xuống 7.105,00 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm sau khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc sau phiên giảm sâu tuần trước.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và năng lượng mới, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ giữ chính sách tiền tệ thận trọng "linh hoạt và có mục tiêu".

Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng từ đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ tên tuổi.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ các cổ phiếu chip lớn trong bối cảnh triển vọng nhu cầu chip nhớ ngày càng sáng sủa.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 28,24 điểm (+0,09%), lên 29.774,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,71 điểm (+0,61%), lên 3.582,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 98,63 điểm (-0,39%), xuống 24.951,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 42,23 điểm (+1,42%), lên 3.013,25 điểm.

Giá vàng đêm qua giảm sâu khi đồng USD tăng mạnh, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi lên trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden chọn Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục giữ chức vụ này sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2022.

Kết thúc phiên 22/11, giá vàng giao ngay giảm 40,5 USD (-2,19%), xuống 1.804,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 45,30 USD (-2,45%), xuống 1.806,30 USD/ounce.

Giá dầu quay lại đà tăng hôm thứ Hai, phục hồi sau những phiên giảm gần đây sau thông tin OPEC+ có thể điều chỉnh kế hoạch tăng sản lượng dầu nếu các nước tiêu thụ lớn giải phóng dầu thô từ nguồn dự trữ hoặc nếu đại dịch tái bùng phát làm giảm nhu cầu.

Theo đó, các quan chức Nhật Bản và Ấn Độ đang tìm cách giải phóng dầu thô dự trữ quốc gia song song với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác để hạ nhiệt giá dầu, các nguồn tin chính phủ nói với Reuters.

Kết thúc phiên 22/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,81 USD (+1%), lên 76,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,81 USD (+1%), lên 79,90 USD/thùng.

Quốc tế

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục