Chung cư, văn phòng và bán lẻ tiếp tục hút khách

(ĐTCK) Lĩnh vực bất động sản trong năm nay được các thành viên thị trường nhìn nhận sẽ tiếp nối đà tăng trưởng của năm trước ở tất cả các phân khúc. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, cần có bàn tay điều tiết chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý.
Theo CBRE, thị trường bất động sản Việt Nam 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tất cả các phân khúc Theo CBRE, thị trường bất động sản Việt Nam 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tất cả các phân khúc

Báo cáo cập nhật về triển vọng thị trường vừa được Công ty tư vấn CBRE công bố, và trước đó là từ một số tổ chức quốc tế như Worldbank, Standard Chartered,… nhìn chung đều có đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2016.

Bên cạnh đó, với các hiệp ước thương mại vừa được ký kết và nguồn lao động giá rẻ, Việt Nam tiếp tục được coi là “cứ điểm” đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên toàn cầu. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2016. 

Nhà ở: Tiếp tục cải thiện

Năm 2015, niềm tin vào thị trường đã gia tăng thông qua số dự án chào bán mới, cũng như lượng giao dịch tăng vọt, đạt khoảng 41.787 căn tại TP. HCM và 28.283 căn tại Hà Nội. Các căn hộ hạng sang và cao cấp đã có sự trở lại ngoạn mục nhất kể từ cuộc khủng hoảng của thị trường giai đoạn 2011-2012, với khoảng 16.674 căn được chào bán tại TP. HCM và 6.000 căn tại Hà Nội.

Theo dự đoán của các công ty tư vấn, nguồn cung thị trường nhà ở sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay, với khoảng 25.000 căn tại TP. HCM và 21.000 căn tại Hà Nội. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ sẽ chậm hơn so với năm 2015 và giảm dần trong 2 năm kế tiếp trên cả hai thành phố do những yếu tố về thị trường vốn, cũng như việc người mua sẽ “khó tính” hơn trước nguồn cung dồi dào.

Từ đó, các chủ đầu tư sẽ cẩn trọng hơn trong việc tăng giá nhằm đảm bảo mục tiêu doanh số cũng như kế hoạch kinh doanh đề ra. Giá sẽ chỉ tăng chủ yếu ở những dự án mới có vị trí “vàng” và khu vực trung tâm mở rộng, dao động từ 2.500-3.000 USD/m2 tại TP. HCM và 1.600-3.500 USD/m2 tại Hà Nội.

Theo CBRE, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang xem xét thị trường bất động sản trong nước, trước khi đưa ra quyết định. Tính chuyên nghiệp, sự thông thạo ngoại ngữ của nhân viên và thủ tục thanh toán thuận tiện là các vấn đề quan trọng cần phải giải quyết để đón những khách hàng đầy tiềm năng này.

Văn phòng: Hút khách ngoại

Thị trường văn phòng trong năm 2015 không có diễn biến nào lớn, khi chỉ có 1 tòa nhà hạng A mới tại TP. HCM (Vietcombank Tower), trong khi không có tòa nào tại Hà Nội.

Vietcombank Tower đi vào hoạt động đã giúp tăng đáng kể tỷ lệ hấp thụ văn phòng hạng A tại TP. HCM so với năm trước đó. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm tới, tỷ lệ này sẽ suy giảm do thiếu nguồn cung, khi mà diện tích sàn trống đang ngày càng giảm dần.

Còn tại Hà Nội, nguồn cung chủ yếu sẽ đến từ khu vực trung tâm mới, với khoảng 115.000 m2 dự kiến gia nhập thị trường. Tuy nhiên, việc tỷ lệ hấp thụ hiện đang chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng nguồn cung, nên diện tích sàn trống tại các tòa hạng A dự kiến tăng thêm khoảng 24,7% trong năm nay.

Năm 2016, nhu cầu sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng nước ngoài, khi nhu cầu di dời và mở rộng diện tích của các ngân hàng và tập đoàn tài chính dự báo tiếp tục tăng. 

Bán lẻ: Theo xu hướng “bình dân hóa”

Tiêu biểu cho phân khúc bán lẻ trong 2016 sẽ là xu hướng “bán lẻ - giải trí,” “bình dân hóa” hay “mua sắm trên mạng”. Người tiêu dùng hiện nay ngày càng trở nên kỹ tính và thông minh, họ rất coi trọng tổng thể trải nghiệm mua sắm và đòi hỏi chất lượng nhiều hơn.

Theo CBRE, đây là cơ sở cho nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ gia tăng của nhóm ngành ẩm thực, hầu hết thuộc loại đồ ăn nhanh và chất lượng. Ngoài ra, nhu cầu về một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng sẽ gia tăng khi thu nhập người dân dần cải thiện.

Dự kiến, nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong năm 2017 sẽ tăng với sự xuất hiện của khá nhiều trung tâm thương mại lớn, được các chủ đầu tư trong và ngoài nước chú trọng phát triển như Vingroup, Hoa Binh Group, Lotte, Aeon… Đa số các dự án này có diện tích mặt sàn lớn, tích hợp nhiều tiện ích, nhưng lại có chi phí đất thấp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu lớn dần của các khu vực ngoài trung tâm.

Tỷ lệ trống của các khu trung tâm thương mại tại TP. HCM được dự đoán ở mức 10% tổng diện tích mặt sàn nhờ vào các khách thuê chủ chốt. Tương tự tại Hà Nội, tỷ lệ trống ổn định ở mức 8-9%. Mặc dù nguồn cung sẽ gia tăng, nhưng tỷ lệ trống này có khả năng vẫn được giữ vững từ năm nay do sức cầu khá ổn định.

Mức giá thuê dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm do ngày càng nhiều trung tâm thương mại được khai trương tại khu vực ngoài trung tâm.      

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục