Chung cư cao cấp: Tới tấp khiếu kiện vì ... phí trên trời

Trong thời gian gần đây, sự nhập nhèm về chất lượng xây dựng cộng với việc thiếu chuyên nghiệp trong quản lý tại hàng loạt dự án gắn mác “chung cư cao cấp” ở Hà Nội đang làm nản lòng không ít người sử dụng.
Một trong những cuộc họp thương lượng giữa đại diện công ty Keangnam Vina với các hộ dân

Đầu tiên phải kể đến chung cư Keangnam Hanoi Landmark Towers (đường Phạm Hùng, Hà Nội). Sau nhiều lần xin hoãn vì lý do bận việc, cuối cùng ông Ha Jong Suk - Chủ tịch công ty Keangnam Vina đã có buổi làm việc chính thức với ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam.

Tại buổi làm việc kéo dài từ 17h30 đến 23h00 ngày 11/8, ông Ha đã tích cực tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để cải thiện chất lượng dịch vụ tại Keangnam nhưng tất cả những điểm quan trọng nhất để cư dân có thể chấp nhận mức phí quản lý cao bằng Golden West Lake đều bị dân Keangnam kiên quyết từ chối.

Tất cả tiện ích công cộng như phòng đọc, phòng bóng bàn, bi-a, sân tennis, bể bơi sẽ giữ nguyên và không được gia tăng, vì Keangnam không còn diện tích trống. Việc miễn phí hoàn toàn bể bơi và phòng tập không được xem xét mà Keangnam chỉ có thể áp dụng giá dịch vụ ưu đãi đối với cư dân của tòa nhà. Trước phản hồi này, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đã chính thức từ chối mức phí quản lý 18.600 đồng/m2 mà Keangnam đưa ra.

Trước đó, hơn 70 người dân sống tại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Towers ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự khiếu nại công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, chủ đầu tư dự án Keangnam. Phía luật sư cho rằng, Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của UBND thành phố. Phí trông ôtô, xe máy được chủ đầu tư áp dụng lần lượt là 1,462 triệu đồng và 104.000 đồng/tháng, trong khi đó, quy định phí giữ ôtô và xe máy tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm là 875.000 đồng và 45.000 đồng. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư đưa ra lên tới 10.000 đồng, gấp 5 lần quy định của thành phố. Phí quản lý cũng được chủ đầu tư áp tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng/m2, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay.

Theo thông tin từ ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam, trong tình thế này, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam sẽ liên kết với các khu chung cư khác để thúc đẩy thành phố Hà Nội ban hành mức giá trần cho phí quản lý. Ban đại diện lâm thời dân cư đã gửi văn bản chính thức đề nghị Keangnam xem xét 2 vấn đề là phí quản lý và các tiện ích công cộng. Văn bản cũng được gửi đến Sở Tài chính và Sở xây dựng thành phố Hà Nội để có tính chất báo cáo.

Cũng trong thời gian gần đây, các hộ dân tại chung cư hiện đại vào loại nhất, nhì Hà Nội The Manor sau 5 năm sinh sống "yên ổn" bỗng nhiên bị chủ đầu tư Bitexco "đòi" thêm hàng trăm triệu đồng tiền chênh diện tích căn hộ.

Hơn 50 hộ dân tại khu Villas thuộc dự án The Manor không khỏi giật mình khi nhận được thông báo từ chủ đầu tư là công ty TNHH SXKD XNK Bình Minh (Bitexco) yêu cầu mỗi hộ dân tại đây nộp thêm hàng trăm triệu đồng với lý do chênh lệch diện tích căn hộ thực tế so với hợp đồng.

Theo đó, Bitexco cho biết, để thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các khách hàng theo hợp đồng đã ký, Bitexco đã thuê công ty Cổ phần tư vấn Thiết kế Khảo sát và Đo đạc tiến hành đo đạc xác minh hiện trạng diện tích xây dựng nhà và diện tích đất thực tế của các căn Villa tại dự án The Manor. Theo kết quả đo đạc xác minh này, hầu hết các hộ dân sống ở căn Villa đều có diện tích xây dựng thực tế lớn hơn diện tích xây dựng trong hợp đồng.

Các cư dân sinh sống tại đây cho rằng, đây chẳng khác gì “chiêu” lừa đảo của “ông lớn” Bitexco. Anh Nam sinh sống tại đây bức xúc: "Tại sao ngay từ đầu, phía Bitexco không nói rõ ràng cho người mua biết, để 4 -5 năm sinh sống, tự dưng lại phát sinh ra phần diện tích xây dựng nhà chênh lệch. Chúng tôi đã tin tưởng và đặt bút ký vào bản hợp đồng mua bán với những thỏa thuận của 2 bên mà có thể sơ suất chưa biết ngọn ngành đất đai như thế nào? Phải chăng, ngay từ đầu, Bitexco biết mà cố tình làm ngơ hoặc mập mờ thông tin để lừa khách hàng?”.

Ở khía cạnh khác, anh Mạnh Linh, ở tầng 18 khu C khu đô thị The Manor cho biết, mang tiếng là chung cư hiện đại vào loại nhất, nhì Hà Nội mà bảng cửa ra vào toà nhà suốt ngày bị kẹt. Gia đình tôi tháng nào cũng đóng 1, 2 triệu đồng tiền phí dịch vụ cho căn hộ hơn 130 m2, cộng thêm tiền gửi 2 xe ô tô gần 2 triệu đồng, tiền điện tính 3.500đồng/số, tiền nước, tiền internet... Tổng cộng mất cả chục triệu đồng mỗi tháng nhưng dịch vụ ở đây cũng chỉ như các chung cư thương mại bình thường khác.

Không chỉ riêng hai chung cư cao cấp trên, cách đây vài tháng, hàng trăm hộ dân tại chung cư cao cấp Sky City Towers (88 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) đã tổ chức phản đối chủ đầu tư khi áp giá phí dịch vụ gửi xe gấp đôi thành phố mà theo họ là quá cao và quá vô lý.

Theo các hộ dân, từ thời điểm bàn giao căn hộ, chủ đầu tư không thu phí trông giữ xe của các hộ dân vì lý do chưa hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ngày 22/3/2011, Cty TNHH Hanotex - chủ đầu tư dự án đã có thông báo về mức giá dịch vụ sẽ được áp từ ngày 1/4.

Theo thông báo này, phí dịch vụ quản lý và vận hành tòa nhà: đối với căn hộ là 8.000đồng/m2/tháng (nhân với tổng diện tích căn hộ); khu vực tầng hầm 8.000đ/m2/tháng; đối với khối văn phòng và dịch vụ 21.000đồng/m2/tháng; Phí đỗ xe trên sân đối với xe ô tô 30.000đồng/giờ, xe máy 10.000 đồng/1 giờ. Một thông báo khác về phí gửi xe khu vực tầng hầm do chủ đầu tư đưa ra: mỗi căn hộ được gửi 1 xe ô tô du lịch dưới 7 chỗ; 2 xe máy và 1 xe đạp. Mức phí tháng đối với xe ô tô là 2.500.000 đồng/tháng; xe máy 120.000đ/tháng; xe đạp 50.000đ/tháng.

Ngay sau đó, chủ đầu tư tiếp tục gửi thông báo với nội dung: Những khách hàng không đăng ký và trả tiền gửi xe theo mức phí trên, chủ đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm về an toàn của các tài sản nói trên.

Cùng với thông báo này, một thông báo khác do Giám đốc BQL tòa nhà, ông Uff Bieler – đơn vị được thuê quản lý tòa Sky City Towers, gửi đến các hộ dân với nội dung: cấm đỗ xe trên sân của tòa nhà; xe chỉ được dừng, đón trả khách không quá 10 phút.

Trước tình trạng trên, hàng trăm người dân đã tập hợp để phản đối chủ đầu tư. Phía các hộ dân đã mời một văn phòng luật sư vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân.

Các hộ dân sống ở đây cho biết, về mức thu 8.000 VNĐ/m2/ tháng tiền dịch vụ được quy định dành cho các khu đô thị có tiêu chuẩn 5 sao bao gồm: Sân vườn, sân chơi cho trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng, bể bơi miễn phí cho cư dân…những điều kiện này Sky City không đáp ứng được nên mức thu này không có cơ sở. “Nếu áp dụng mức phí này thì đơn cử như 1 căn hộ 120m2 với 2 xe ôtô sẽ phải chi phí khoảng 6.200.000 đồng/1 tháng. Đây là điều hoàn toàn vô lý”, một hộ dân sống đây nói.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Làng Việt kiều Châu Âu do Công ty TSQ làm chủ đầu tư có đơn tố cáo doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán bằng USD trong hợp đồng mua bán nhà và tính giá căn hộ theo biến động của tỉ giá. Đơn kiến nghị đã được tập thể khách hàng gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Cục Thuế Hà Nội và các cơ quan báo chí.

Theo lý giải của ông Đỗ Quân – Phó TGĐ của TSQ, nguyên vật liệu như cáp dự ứng lực, sắt thép, cửa thang máy, thậm chí cả thiết kế đều do chủ đầu tư nhập khẩu từ nước ngoài hoặc mua của các nhà phân phối nhập khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng trong nước như gạch, xi măng, nhân công cũng đã trượt giá 15-20%. Do đó việc dùng tỷ giá để chống rủi ro có lợi cho cả khách hàng và chủ đầu tư.

Ông Quân cũng cho rằng, việc tỷ giá được đưa vào điều kiện phát sinh hợp đồng, chỉ xảy ra nếu có sự điều chỉnh của cơ quan Nhà nước. Đây là yếu tố ngẫu nhiên và khách quan, Công ty không chủ động và kiểm soát được tỷ giá lên hay xuống.

Theo các khách hàng và một số luật sư của bên nguyên đơn, việc TSQ khẳng định tính giá căn hộ bằng VND nhưng lại thu thêm tiền của khách hàng do tỷ giá biến động là hoàn toàn vô lý và trái pháp luật. Bởi lẽ, một khi bên bán đã khẳng định bán nhà bằng VND thì mọi quá trình thanh toán sau đó không liên quan gì đến việc tỷ giá biến động lên hay xuống. Với sự căng thẳng ngày một gia tăng giữa hai bên về tranh chấp một số bất đồng về dự án, điều này khả năng dẫn tới việc lùm xùm tại dự án có thể sẽ bị kiện ra Tòa án.

Đề cập tới tình trạng trên, ông Phạm Sĩ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện tại rất khó quy định mức giá trần phí chung cư. Thông tư của Bộ Xây dựng cũng chưa nhắc đến chế tài đối với các chủ đầu tư tự ý nâng giá dịch vụ tính bằng USD nên các cơ quan còn lúng túng. Do vậy thành phố cần cụ thể hoá các quy định quản lý nhà chung cư và giá dịch vụ đồng thời có các mức chế tài như rút giấy phép kinh doanh, xử phạt đối với các chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.

Nhiều  ý kiến cho rằng, việc thiếu hành lang pháp lý cũng tạo sự tùy tiện trong tự đánh giá, phân loại nhà chung cư của các chủ đầu tư. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm liên luỵ tới những nhà đầu tư nghiêm túc vì sản phẩm thực sự cao cấp của họ không được phân biệt rạch ròi với các sản phẩm khác. Đặc biệt, việc quản lý, vận hành chung cư cần được thực hiện chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch, để đảm bảo và duy trì chất lượng sống của cư dân.


DĐDN

Tin cùng chuyên mục