Chậm tiến độ đã gần 4 năm
Dự án Grand Pacific có quy mô xây dựng là 22.436,3 m2, gồm 3 tòa nhà chung cư cao 20 tầng, với 470 căn hộ, do Công ty TNHH Đầu tư Pacific làm chủ đầu tư. Ban đầu, Dự án do Công ty TNHH kỹ thuật GNS của Hàn Quốc thực hiện. Đến năm 2009, Công ty TNHH kỹ thuật GNS của Hàn Quốc đã hợp tác với Công ty Lobana của Australia để cùng triển khai dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hải Phòng, dự án này được cấp giấy phép đầu tư từ năm 2006 và được khởi công từ tháng 4/2007. Mục tiêu của Dự án là xây dựng 3 tòa nhà chung cư để bán, cho thuê và 1 tòa nhà văn phòng cho thuê.
Tổng vốn đầu tư là 321 tỷ đồng (lúc đó tương đương 16,8 triệu USD). Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới góp vốn được gần 8,2 triệu USD để thực hiện Dự án. Trong khi đó, họ đã thực hiện huy động vốn của khách hàng mua 107 căn hộ của 2 tòa nhà đã xây xong móng, với tổng số tiền gần 4,5 triệu USD.
Cần lưu ý rằng, theo hình thức hợp đồng mua nhà hình thành trong tương lai, việc mua bán này được thực hiện sau khi chủ đầu tư đã xây dựng xong móng của 2 tòa nhà, nên hợp đồng mua bán tại thời điểm đó hoàn toàn phù hợp với các điều khoản của Luật Kinh doanh bất động sản (2006) và Điều 39, Luật Nhà ở (2005).
Theo kế hoạch ban đầu, đến cuối năm 2012, Dự án sẽ được hoàn thiện và khách hàng sẽ được bàn giao nhà. Nhưng hiện tại, mới chỉ có tòa nhà chung cư số 2 được hoàn thành phần thô và xong phần móng của 1 tòa, tòa còn lại chưa hề làm gì.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hải Phòng, Dự án đã dừng triển khai xây dựng từ tháng 6/2013, tổng thời gian chậm triển khai đến nay đã là 47 tháng. Từ năm 2012 đến nay, Sở đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có văn bản yêu cầu nhà đầu tư báo cáo giải trình, khắc phục việc chậm trễ triển khai dự án.
Tìm lối thoát cho Dự án Grand Pacific
Để tìm lối thoát cho dự án và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Sở KH&ĐT Hải Phòng đã đề xuất UBND TP. Hải Phòng theo hướng hỗ trợ tối đa để Dự án có thể triển khai tiếp.
Nếu trong trường hợp mà nhà đầu tư không thể khắc phục khó khăn để tiếp tục triển khai và hoàn thành Dự án, Sở căn cứ quy định pháp luật hiện hành để tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Tuy nhiên, đây là dự án đầu tư có tính chất phức tạp, do nhà đầu tư đã huy động vốn của khách hàng và bản thân nhà đầu tư cũng đã bỏ chi phí đầu tư lớn, nên phương án thu hồi dự án, chấm dứt hoạt động sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Hơn nữa, trong trường hợp Dự án bị thu hồi, việc đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng đã bỏ tiền ra mua nhà tại đây là rất khó khăn.
Vẫn theo nguồn tin trên, việc tính toán giá trị nhà đầu tư thực hiện đến thời điểm này, giá trị sử dụng đất của dự án… cũng như cân đối để khấu trừ công nợ là công việc khó và không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, theo Sở KH&ĐT, nếu như tìm được nhà đầu tư mới cho Dự án, việc tất toán trên là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư mới có thể phải kế thừa nghĩa vụ và quyền lợi của nhà đầu tư cũ.
Với trường hợp Dự án Grand Pacific, hướng giải quyết tốt nhất là nhà đầu tư vay được vốn để tiếp tục thực hiện Dự án, hoặc tìm được đối tác để chuyển nhượng
Luật sư Lê Thị Bích, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Luật TNHH INTECO cho biết, trên thực tế có nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản bị chậm tiến độ do thiếu vốn không thể triển khai được. Trong trường hợp dự án đầu tư được nhà đầu tư chủ động chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác có đủ năng lực thì quyền, các nghĩa vụ của nhà đầu tư với dự án cũng được chuyển giao theo.
Nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ với người mua nhà, người cho vay và những người có quyền lợi liên quan khác.
Trường hợp xấu nhất là dự án đầu tư bị cơ quan quản lý thu hồi, mà chủ đầu tư chỉ có một dự án duy nhất, thì việc thu hồi dự án đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của tổ chức kinh tế. Khi đó, quyền lợi của bên mua nhà, bên cho vay và các bên có quyền lợi liên quan khác có thể sẽ không được đảm bảo. Bởi người chịu trách nhiệm đối với dự án là tổ chức kinh tế thực hiện dự án. Mà các tổ chức kinh tế này thường được tổ chức theo mô hình công ty TNHH, hoặc công ty cổ phần.
Theo mô hình công ty này, họ chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký.
“Thực tế cho thấy, vốn điều lệ của công ty thường nhỏ hơn tổng vốn đầu tư của các dự án kinh doanh bất động sản. Khả năng tổ chức kinh tế có đủ tài chính để thực hiện các nghĩa vụ đối với các bên có quyền là rất thấp. Cho dù các bên có quyền thực hiện trình tự tố tụng để yêu cầu tổ chức kinh tế thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án cũng không thể thi hành án, bởi vì người bị thi hành án không có tài sản để thi hành án. Người chịu rủi ro cuối cùng vẫn là người mua nhà, người cho vay”, luật sư Lê Thị Bích nhấn mạnh.
Vậy nên, với trường hợp như Dự án Grand Pacific, thì hướng giải quyết tốt nhất là nhà đầu tư vay được vốn để tiếp tục thực hiện dự án, hoặc tìm được đối tác để chuyển nhượng.
Theo tin mới nhất từ Sở KH&ĐT Hải Phòng, hiện chủ đầu tư đang đàm phán chuyển nhượng dự án, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp cho một nhà đầu tư khác trong nước để tiếp tục được triển khai.