Chứng chỉ quỹ thu hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong những năm qua, dù VN-Index khởi sắc hay lình xình, thì nhiều chứng chỉ quỹ vẫn mang lại hiệu suất vượt trội. Đây là lý do khiến nhà đầu tư cá nhân dần tìm tới kênh đầu tư này.
Chứng chỉ quỹ thu hút dòng tiền

“Trẻ hẳn ra” nhờ… chứng chỉ quỹ

Bắt đầu tìm hiểu các kênh đầu tư kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, anh Đức Minh (34 tuổi, Hà Nội) cũng như nhiều nhà đầu tư cá nhân khác lựa chọn rót tiền vào cổ phiếu. Tuy nhiên, niềm vui của những ngày chứng khoán tăng giá, VN-Index lập đỉnh hơn 1.500 điểm vào tháng 11/2021… cho tới nay chỉ còn là kỷ niệm. Anh Minh cho biết, tài khoản đầu tư cổ phiếu từ khi “đu đỉnh” 1.500 điểm tới nay vẫn chưa “về bờ”.

“Có thời điểm, tài khoản lỗ hơn một nửa, vì quá sốt ruột, tôi tìm tới các ‘dịch vụ’ cơ cấu danh mục, với lời hứa hẹn sớm đưa tài khoản thoát lỗ, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Cách đây 1 năm, tôi bắt đầu đầu tư vào chứng chỉ quỹ, với cách thức mua đều đặn mỗi tháng khoảng 1 - 2 triệu đồng, thay vì hoàn toàn tự đầu tư như trước. Hiện tại, chứng chỉ quỹ vẫn đang tăng giá đều, tài khoản duy trì sắc xanh. Từ khi quyết định sẽ nắm giữ chứng chỉ quỹ lâu dài, xem đây là kênh đầu tư chính, tôi tự thấy việc đầu tư nhàn hơn, không cần bám sát bảng điện và cũng bớt vò đầu bứt tai, nên bản thân cũng trẻ hẳn ra”, anh Minh chia sẻ.

Không ít nhà đầu tư cá nhân khác cũng tìm tới kênh đầu tư chứng chỉ quỹ. Kể từ đầu năm 2024 tới nay, quỹ mở là nhóm duy nhất liên tục thu hút dòng tiền đầu tư. Cụ thể, nhóm quỹ mở ghi nhận dòng vốn vào ròng khoảng 2.000 tỷ đồng trong tháng 11/2024. Đây là giá trị vào ròng cao nhất theo tháng ở nhóm quỹ mở tính từ đầu năm 2024 đến nay. Đồng thời, quỹ mở là nhóm đón nhận dòng tiền vào ròng liên tục kể từ tháng 1/2024.

Lũy kế 12 tháng gần nhất, nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng hơn 9.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm quỹ ETF bị rút ròng gần 34.100 tỷ đồng và quỹ đóng bị rút 6.200 tỷ đồng.

Nguồn: FiinPro-X Platform. Ghi chú: Dữ liệu được tính toán từ 35 quỹ mở, 6 quỹ đóng và 25 quỹ ETF

Nguồn: FiinPro-X Platform. Ghi chú: Dữ liệu được tính toán từ 35 quỹ mở, 6 quỹ đóng và 25 quỹ ETF

Ông Lê Đặng Hiếu, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển thị trường, Fmarket.vn cho hay, 2 năm vừa qua là thời gian thuận lợi cho những quỹ chủ động như quỹ mở. Năm 2024, thị trường chứng khoán trong chu kỳ đi ngang (sideway), nhưng lợi nhuận của các quỹ mở rất tốt, nhờ lựa chọn đúng các doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội.

Sản phẩm quỹ mở đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của nhiều nhà đầu tư cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, nhờ hiệu quả được chứng minh trong thời gian dài. Chẳng hạn, trong 20 năm qua, Quỹ DCDS của Dragon Capital đạt hiệu suất trung bình hơn 12%/năm. Trong 3 năm gần nhất, Quỹ VCBF-MGF của VCBF dẫn đầu về hiệu suất với 32,5% (theo giá trị tài sản ròng ngày 17/12/2024).

Theo dữ liệu được cung cấp bởi nền tảng quỹ mở Fmarket.vn, “hầu hết các quỹ đầu tư đều có lợi nhuận tốt trong năm 2024. Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2024, Quỹ VMEEF đạt hiệu suất 31%, SSISCA đạt 28,5%, VCBF-BCF đạt 22,38%. Đối với thị trường sideway và phân hóa thì đây là hiệu suất ấn tượng, vì thực tế nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang bị lỗ khi giao dịch trong thị trường này. Trên Fmarket.vn ghi nhận số lượng nhà đầu tư cũng như giá trị đầu tư tăng trưởng gấp đôi trong năm 2024”, ông Lê Đặng Hiếu cho biết.

Nguồn: Fmarket

Nguồn: Fmarket

Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng

Khi tham gia đầu tư, mục tiêu tiên quyết của nhà đầu tư là lợi nhuận. Thống kê trong những năm qua cho thấy, trong bối cảnh VN-Index khởi sắc hay lình xình, nhiều chứng chỉ quỹ trên thị trường vẫn cho hiệu suất vượt trội thị trường chung. Đây là lý do nhà đầu tư cá nhân dần tìm tới kênh đầu tư chứng chỉ quỹ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, diễn biến này một phần xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư thân thiện, phù hợp với các nhà đầu tư không chuyên, một phần từ việc thị trường quỹ đầu tư đã phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây.

Xét về sản phẩm, nhiều công ty quản lý quỹ lớn trên thị trường như Dragon Capital, VinaCapital, SSIAM, VCBF, TCBF… đã tạo ra rổ hàng hóa đa dạng. Trong đó, có thể kể đến quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên những rổ chỉ số VN30, VN100, VNFinLead, VN Diamond, VNMidcap; quỹ mở đầu tư cổ phiếu, quỹ mở đầu tư trái phiếu, quỹ cân bằng (kết hợp đầu tư cổ phiếu và trái phiếu).

Cùng với đó, các tổ chức trung gian đóng vai trò đại lý cung cấp nền tảng giao dịch sản phẩm đầu tư qua quỹ như Fincorp (Fmarket.vn), VNSC by Finhay… cũng xuất hiện. Giống như giao dịch cổ phiếu, việc các đơn vị ứng dụng sâu công nghệ vào hoạt động giao dịch, phân phối giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận và mua bán đơn giản hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Đáng chú ý, nhận thức của nhà đầu tư cá nhân đã có sự thay đổi rõ nét, nhất là tâm lý không thích/không tin tưởng đưa tài sản cho các quỹ đầu tư hộ được cải thiện. Theo ông Lê Đặng Hiếu, việc nhà đầu tư không thích đưa tài sản cho quỹ mở đến từ 2 lý do. Một là, tâm lý muốn làm chủ tài sản, muốn quản kiểm soát tiền sẽ được đầu tư vào đâu. Hai là, nhiều nhà đầu tư chưa thật sự hiểu cơ chế hoạt động của quỹ nên còn e dè. Nhà đầu tư cần hiểu rằng, quỹ mở là quỹ đại chúng, tức là cơ quan quản lý nhà nước cho phép mọi người dân đều có thể đầu tư vào quỹ nên quỹ mở được giám sát và quản lý rất chặt chẽ, ngay cả công ty quản lý quỹ cũng không giữ tiền của nhà đầu tư. Tài sản của quỹ do ngân hàng giám sát quản lý và thanh toán; quỹ chỉ được ra quyết định đầu tư, ngân hàng giám sát sẽ giải ngân và giám sát tài sản. Vì vậy, tài sản của nhà đầu tư được đảm bảo an toàn và minh bạch.

Hiện tại, các cơ quan truyền thông cũng tích cực vào cuộc, giúp cộng đồng nhà đầu tư hiểu hơn về quỹ mở, từ đó nhà đầu tư có thể cân nhắc và có thêm lựa chọn đầu tư bền vững, an toàn hơn, giúp nhà đầu tư gia tăng tài sản hiệu quả trong dài hạn, tránh được nhiều cạm bẫy trên thị trường tài chính.

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư, SSIAM cho rằng, ngành quản lý quỹ có thể bứt phá trong 3 - 5 năm tới, dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất, thị trường chứng khoán sôi động hơn kéo theo sự tham gia của người dân đối với kênh đầu tư chứng khoán, khi đó sản phẩm quỹ sẽ tăng theo. Thứ hai, số lượng người dân tầng lớp trung lưu, triệu phú gia tăng nhanh tại thị trường Việt Nam. Nhóm nhà đầu tư này rất quan tâm tới vấn đề bảo toàn và gia tăng tài sản trong dài hạn, do đó, việc sử dụng một dịch vụ chuyên nghiệp của công ty quản lý quỹ là xu hướng tất yếu.Yếu tố thứ ba liên quan đến giới trẻ và sự ưa thích công nghệ. Đây là yếu tố khách quan giúp ngành quản lý quỹ phát triển tích cực trong thời gian tới, mở rộng hơn nữa tệp khách hàng.

“Các nhà đầu tư trẻ dưới 30 tuổi không ngại thử những sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ hiện đại. Họ muốn kênh đầu tư với thủ tục giao dịch đơn giản, rút tiền nhanh gọn, ngay cả khi số tiền đầu tư không lớn. Điều này sẽ tác động tích cực tới thị trường quỹ trong thời gian tới”, ông Nguyễn Bá Huy nói.

Trong khi đó, ông Lê Đặng Hiếu nhận định, quỹ mở vẫn sẽ là những sản phẩm đầu tư hiệu quả trên thị trường nhờ chiến lược đầu tư chuyên nghiệp và bài bản. Đáng chú ý, câu chuyện nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng hơn trong năm 2025 cũng là động lực lớn. Khi dòng tiền lớn đổ vào thị trường, khả năng cao các công ty hàng đầu sẽ được nhà đầu tư nước ngoài chú ý và nhận được tiền, từ đó hiệu quả của các quỹ đầu tư, đa phần tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành, cũng sẽ được nâng cao.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục