Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp Việt không thể mãi đứng ngoài (bài cuối)

(ĐTCK) TTCK Việt Nam hiện có trên 1.500 DN trên sàn, trong đó có khoảng 30 DN có vốn hóa tỷ USD - ngưỡng DN quy mô lớn trên thị trường vốn khu vực và quốc tế.
Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp Việt không thể mãi đứng ngoài (bài cuối)
Tiếp các nhà báo đến từ Việt Nam mới đây trong tòa nhà cổ kính bậc nhất trên khu phố tài chính tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Hoa), ông Arthur Chen, Tổng giám đốc Tập đoàn Chứng khoán Yuanta, công ty chứng khoán lớn nhất và lâu đời nhất Đài Loan cho biết, Tập đoàn đã đầu tư 150 triệu USD vào Thái Lan và 45 triệu USD vào Việt Nam, đồng thời đang theo dõi sát sao thị trường tài chính Việt Nam để có thể kết nối cơ hội cho các nhà đầu tư của Tập đoàn. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp (DN) Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng cơ hội nhận vốn?  
Kỳ cuối: IFRS: Phải làm để hội nhập, để bước lên

Câu trả lời ở nơi doanh nghiệp Việt

Khác với Việt Nam, ở Đài Loan, DN chỉ thực thi theo một chuẩn mực báo cáo tài chính, đó là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS.

Ở đó, không có chuẩn mực báo cáo nội địa, nên mọi DN ghi nhận và đo lường sức khỏe tài chính theo IFRS. Mặt bằng thị trường vì thế dễ so sánh với các thị trường tương đương, hoặc có quy chuẩn phát triển bậc cao.

Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Đài Loan, ông Lih-Chung Chien cho biết, TTCK Đài Loan hiện có chỉ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phần) khoảng 14-16 lần.

Ở mức định giá này, chứng khoán tại Đài Loan thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư đến từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, yếu tố chính khiến TTCK Đài Loan có sức cạnh tranh không chỉ là chỉ số P/E có tính cạnh tranh, mà là ở Đài Loan, nhà quản lý rất coi trọng sự minh bạch.

Lý do coi trong sự minh bạch, như ông Lih-Chung Chien nói, vì đây là điều kiện đầu tiên để nhà đầu tư hiểu về DN trước khi ra quyết định đầu tư.

Khi phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đặt câu hỏi, để thực thi sự minh bạch, hay nói cách khác, để giảm thiểu các hành vi thao túng thông tin, làm giá, lũng đoạn thị trường, nhà quản lý tại Đài Loan có những giải pháp gì, Tổng giám đốc Sở GDCK Đài Loan cho biết, bộ phận giám quản sự minh bạch nằm trong Cơ quan quản lý tài chính Đài Loan (FSC).

Tổ chức này cùng lúc quản lý cả thị trường chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm. Bên cạnh việc giám sát độc lập, FSC kết hợp chặt chẽ với các sở GDCK kiểm soát các DN trên sàn về tính minh bạch theo nhiều kênh.

Một trong những kênh đó là buộc các DN phải báo cáo định kỳ hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo, cổ đông lớn. Nếu phát hiện những gian lận hoặc sai phạm về tài chính, DN cũng như các cá nhân có liên quan sẽ bị phạt rất nặng để răn đe các khả năng tái phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường.

Một hoạt động khác TTCK Đài Loan duy trì thường xuyên là chấm điểm quản trị công ty và công bố công khai cả điểm tốt và điểm chưa tốt của các DN. Đây là điểm các DN “ngại” nhất nếu không may bị công bố điểm yếu.

Tại Việt Nam, hoạt động chấm điểm báo cáo thường niên và quản trị công ty cũng đã được các sở GDCK thực hiện từ 5-10 năm nay. Tuy nhiên, việc công bố mới chỉ dừng ở vinh danh các DN tốt. “Nửa kia” của DN thì mới được truyền thông mang tính thống kê những hạt sạn, chứ chưa chỉ đích danh “hạt sạn” đó ở DN nào.

Chính việc tạo sức ép buộc DN minh bạch đã khiến các DN tại Đài Loan thuận theo nhà quản lý, cũng đặt sự minh bạch lên trên hết. Đây là một trong những lý do khiến thị trường này thu hút được nhiều dòng vốn quốc tế.

Số DN niêm yết trên sàn Đài Loan không nhiều hơn Việt Nam là bao (thị trường niêm yết quy mô lớn có 935 doanh nghiệp niêm yết, thị trường tiếp theo có 756 doanh nghiệp niêm yết), nhưng vốn hóa thị trường Đài Loan lên tới trên 1.000 tỷ USD, trong khi tại Việt Nam, vốn hóa thị trường đến tháng 9/2018 mới khoảng 180 tỷ USD.

Không riêng TTCK Đài Loan, tại TTCK Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…, tôn trọng sự minh bạch và thực thi IFRS với các DN được coi như những chuẩn mực đương nhiên.

Tiếp đoàn công tác từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sang thăm Tập đoàn NongHyup tại Hàn Quốc hồi tháng 4/2018, ông Young Chae Jeong, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Chứng khoán NongHyup chia sẻ, để thị trường phát triển bền vững, sự minh bạch và chuẩn mực đánh giá sức khỏe tài chính DN phải là ưu tiên số 1.

Tại Hàn Quốc, NongHyup được thành lập từ năm 1961, cùng thời điểm với Tập đoàn Chứng khoán Yuanta của Đài Loan. Nonghyup cũng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản và mới đây đã hoàn tất việc mua lại 100% vốn cổ phần tại một công ty chứng khoán Việt Nam.

Sau khi mua xong, NongHyup đổi tên thành Công ty Chứng khoán NH, với tham vọng kết nối dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, cũng như các thị trường quốc tế vào Việt Nam. 

Doanh nghiệp cần tự “nâng hạng” chính mình

Bị hụt vào danh sách được xem xét nâng hạng của MSCI hồi tháng 6/2018, tin vui đến với TTCK Việt Nam cuối tháng 9/2018 là được tổ chức FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) đưa vào danh mục theo dõi thị trường mới nổi sơ cấp. FTSE Russell, cùng với MSCI là 2 tổ chức cung cấp bộ chỉ số lớn nhất thế giới. FTSE Russell được sử dụng chuẩn cho các loại tài sản tại hơn 80 quốc gia và 98% thị trường có thể đầu tư toàn cầu.

Tính đến cuối năm 2017, có 1.700 tỷ USD tài sản quản lý theo tiêu chuẩn bộ chỉ số FTSE toàn cầu, trong đó có 1.400 tỷ USD tài sản đầu tư theo chỉ số này. Các quỹ lớn đầu theo chỉ số này là Vanguard, Charles Schwab và Ivesco PowerShares Capital.

Nâng hạng là cần thiết và cái gốc là doanh nghiệp Việt cần tuân thủ IFRS

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán khi mới nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giữa năm 2017, ông Trần Văn Dũng cho rằng, rất nhiều ý kiến từng nêu quan điểm rằng, để nâng hạng TTCK Việt Nam, việc cần làm là đáp ứng các tiêu chí của tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới, trong đó trọng yếu nhất là thúc đẩy công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, cái gốc của thông tin nằm ở việc các DN cần phải quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế, đồng thời phải tuân thủ kỷ luật về công bố thông tin. Nếu thiếu mất việc quy về cùng một quy chuẩn kế toán quốc tế và kỷ luật công bố thông tin minh bạch, thì việc công bố thông tin bằng tiếng Anh mất ý nghĩa và con đường xây dựng niềm tin của nhà đầu tư sẽ khó có điểm tựa để thực thi.

Cũng theo ông Dũng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và thúc đẩy những nỗ lực hợp tác để nâng dần tính chuyên nghiệp và chuẩn mực trên thị trường.

Quy mô, thanh khoản trên TTCK Việt Nam gần đây được cải thiện là những điểm cộng trong việc đánh giá sự nâng hạng của các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Việt Nam vẫn có 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu và 8 tiêu chí giới hạn trong số 21 tiêu chí trong bảng ma trận chất lượng thị trường FTSE.

Cũng theo BSC, sau khi vào danh sách theo dõi, Việt Nam cần 1-2 năm để chính thức nâng hạng tùy vào mức độ cải thiện các tiêu chí còn khuyết.

Sự quan tâm và đầu tư thực sự của các tập đoàn tài chính có bề dày hoạt động 50-70 năm đến Việt Nam như Yuanta (Đài Loan), NongHyup (Hàn Quốc) mới đây, hay trước đó là Daiwa (Nhật Bản, đầu tư vào Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI); Dragon Capital (Anh quốc, đầu tư vào Công ty Chứng khoán TP. HCM - HSC)… mang đến cơ hội lớn cho thị trường vốn, cũng như các DN niêm yết.

Ở các tập đoàn này, họ không chỉ có nền tảng khách hàng rộng lớn, mà còn có nguồn lực tài chính lớn, sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm thương trường, mà nếu DN Việt Nam thu hút được sự hợp tác sẽ rất thuận lợi để bước lên.

TTCK Việt Nam hiện có trên 1.500 DN trên sàn, trong đó có khoảng 30 DN có vốn hóa tỷ USD - ngưỡng DN quy mô lớn trên thị trường vốn khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, toàn thị trường mới chỉ có chưa đầy 10 DN thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế IFRS. Những điểm sáng hiếm hoi như Tập đoàn Bảo Việt, Vingroup, Vinamilk, Vietcombank, Vietinbank… là những cái tên tiên phong thực thi quy chuẩn này, nhưng hiện cũng chỉ để cho nhà đầu tư tham khảo.

Các quan hệ tương tác của DN trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện phải tuân theo chuẩn mực Báo cáo tài chính Việt Nam.

Để làm mới chuẩn mực đánh giá sức khỏe tài chính DN Việt Nam theo quy chuẩn chung của quốc tế, sự quyết tâm của nhà quản lý là rất quan trọng, nhưng sự chủ động và tiên phong của các DN lớn, nhất là các DN tỷ USD hay khối DN trong nhóm VN30 chính là nhân tố quyết định.

TTCK Việt Nam cần có thêm nhiều DN tiên phong, dám đầu tư để thực thi 2 hệ thống báo cáo song song cho đến khi nhà quản lý chấp thuận 1 quy chuẩn tại Việt Nam, để dẫn dắt sự thay đổi mang tên IFRS này. “Phần thưởng” có thể không đến ngay với các DN, nhưng đó là việc không thể không thực hiện nếu DN muốn hội nhập và vươn lên.

Từ năm 2020, nên đưa báo cáo tài chính về một ngôn ngữ

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kiểm toán Deloitte khuyến nghị, từ năm 2019, cơ quan quản lý TTCK nên khuyến khích các DN niêm yết áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và sau năm 2020, chuẩn mực này nên áp dụng trên toàn thị trường.

Thực tế, các cuộc thi chấm điểm quản trị công ty trong ASEAN những năm gần đây các DN Việt Nam không được đánh giá cao là bởi sự khác biệt về ngôn ngữ trong các báo cáo. Không chỉ khác biệt về cách thể hiện (tiếng Anh, tiếng Việt), mà khác biệt căn bản hơn là về chuẩn mực kế toán.

DN Việt Nam lập báo cáo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, trong khi DN quốc tế lập theo IFRS. Vì lập theo chuẩn mực Việt Nam nên trong nhiều trường hợp, có khoảng cách lớn giữa cách ghi nhận tổng tài sản, lỗ lãi của DN trong kỳ khi áp dụng 2 cách làm này.

Chủ tịch Deloitte cho biết, Deloitte sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho nhà quản lý để cùng góp sức nâng mặt bằng chất lượng thông tin tài chính của DN Việt Nam.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục