Thông tư 200/2014/TT-BTC ra đời đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh các chuẩn mực kế toán của Việt Nam để phù hợp hơn với xu thế chung của quốc tế.
Bà Lê Hải Yến, Phó giám đốc Khối IB, Công ty Chứng khoán Bảo Việt.
Tuy vậy, giữa các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính trong nước với quốc tế (IAS, IFRS) vẫn còn nhiều điểm khác biệt.
Sự khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin được phản ánh trên báo cáo tài chính, cũng như định giá công ty. Các nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư đều có những nguyên tắc và quy định nội bộ riêng để tuân theo.
Trong đó, cũng có những trường hợp họ bắt buộc phải yêu cầu bên bán Việt Nam thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn IAS/IFRS.
Tuy nhiên, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại gặp nhiều khó khăn, cả từ phía khách quan và chủ quan của doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành một khung pháp lý cụ thể về việc các doanh nghiệp thực hiện báo cáo theo chuẩn IAS/IFRS.
Nghĩa vụ báo cáo tài chính của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải trình bày theo chuẩn mực VAS. Điều đó không khuyến khích được các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế vào việc lập báo cáo tài chính.
Về mặt kỹ thuật, việc áp dụng IAS/IFRS cũng rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, trong khi VAS hạch toán theo nguyên tắc giá gốc thì IAS/IFRS hạch toán theo nguyên tắc giá trị thị trường.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện tại chưa hình thành và phát triển đầy đủ các yếu tố thị trường một cách đồng bộ, dẫn đến việc định giá các loại tài sản gặp nhiều khó khăn và việc hạch toán theo giá trị thị trường cũng rất phức tạp.
Rất nhiều trường hợp giá thị trường nhưng không phải là giá trị hợp lý khiến cho thông tin trong báo cáo tài chính bị sai lệch.
Việc áp dụng IFRS vốn dĩ đã rất phức tạp đối với các doanh nghiệp tại các nước phát triển có nền kinh tế thị trường phát triển đồng bộ, nên để áp dụng tại Việt Nam cần sự nỗ lực lớn từ bản thân các doanh nghiệp và đồng thời từ cơ quan quản lý nhà nước.
Phần nhiều các doanh nghiệp chưa chuẩn bị được nguồn nhân lực có sự hiểu biết sâu về IAS/IFRS và chưa thiết lập được các quy trình, hệ thống nội bộ để đảm bảo tính tuân thủ cao các chuẩn mực kế toán được sử dụng. Đó cũng là một trở ngại lớn đối với việc áp dụng IAS/IFRS tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại đó, việc áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết.
Đó là, tăng cường tính công khai, minh bạch đối với thông tin tài chính của doanh nghiệp; gia tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn đầu tư từ bên ngoài so với các doanh nghiệp khác không áp dụng.
Tập đoàn Bảo Việt là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng các chuẩn mực IFRS trong lập và trình báo cáo tài chính tại Việt Nam.
Từ năm 2014, Tập đoàn tiến hành lập báo cáo song song báo cáo tài chính hợp nhất năm theo chuẩn mực VAS và IFRS. Báo cáo tài chính lập theo chuẩn IFRS được Tập đoàn Bảo Việt công bố tóm tắt và có bảng so sánh, đối chiếu số liệu theo VAS và IFRS trên báo cáo tích hợp (được lập theo chuẩn GRI).
Với nỗ lực minh bạch thông tin theo các chuẩn mực quốc tế, nhiều năm liên tục, Tập đoàn Bảo Việt được Hội đồng bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất vinh danh trong Top 5 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất. Cổ phiếu BVH nằm trong nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Tại thời điểm 31/6/2018, cổ đông nước ngoài nắm 24,55% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, trong đó có 111 cổ đông tổ chức và 434 cổ đông cá nhân. Hiện Tập đoàn có cổ đông lớn nước ngoài là Công ty Bảo hiểm Sumimoto Life (Nhật Bản) nắm giữ 18% cổ phần.
Cổ đông lớn này tham gia vào Bảo Việt từ năm 2012 khi HSBC thoái vốn vào năm 2012 theo chiến lược tái cơ cấu các khoản đầu tư vào Việt Nam. Từ đó tới nay, Sumitomo hỗ trợ rất tích cực cho Tập đoàn Bảo Việt trong nâng cao chất lượng hoạt động quản trị.
Nhà đầu tư, các cấp quản lý có thể dễ dàng phân tích các chỉ số tài chính, cũng như so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong phạm vi quốc tế.
Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có nhận định và đánh giá chuẩn xác về doanh nghiệp và giúp các cấp quản lý doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định liên quan hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng.
Việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng hơn đối với doanh nghiệp sử dụng chuẩn mực kế toán IAS/IFRS.
Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nếu được áp dụng trên phạm vi rộng rãi hơn sẽ giúp thị trường chứng khoán trong nước hấp dẫn được dòng vốn ngoại, tạo đà tăng trưởng bền vững hơn.
Để áp dụng thành công chuẩn mực IFRS vào việc lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống các quy định, quy trình nội bộ về việc tuân thủ chuẩn mực kế toán IAS/IFRS, đào tạo nhân viên một cách chuyên sâu, đầu tư cập nhật các phần mềm kế toán theo chuẩn mực IAS/IFRS.
Cơ quan quản lý nhà nước nên tiến hành từ việc xây dựng lộ trình áp dụng cụ thể cùng hành lang pháp lý và các văn bản hướng dẫn trước khi chính thức đưa IAS/IFRS vào áp dụng thực tiễn.
Bởi IAS/IFRS phù hợp hơn với những nền kinh tế phát triển, nơi có “cơ chế thị trường” được vận hành đầy đủ cũng như hiểu biết của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được nâng cao; thông tin thị trường luôn được công khai, minh bạch.
Trước khi có một hành lang pháp lý cụ thể, nhà quản lý thị trường chứng khoán nên khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lớn song song việc áp dụng chuẩn mực kế toán VAS thì cũng nên áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS để thực hiện công bố thông tin.
Thực ra, hiện nay, trên thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán cũng đã thực hiện một phần lập báo cáo tài chính theo IAS/IFRS và cũng có một số doanh nghiệp niêm yết lớn (chủ yếu nằm trong nhóm VN30) đã thực hiện theo IAS/IFRS song song với VAS.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính theo IAS/IFRS không được công bố thông tin rộng rãi ra thị trường, mà chỉ cung cấp theo yêu cầu của cổ đông chiến lược nước ngoài.
Dù chưa bắt buộc áp dụng, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam hiện đang thực hiện hoặc có kế hoạch chuyển đổi hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS 9.
Theo PwC, do IFRS 9 đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (Expected Credit Loss-ECL), áp dụng cho tất cả các công cụ tài chính liên quan đến rủi ro tín dụng, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai.
Điều này khác biệt với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh theo quy định trong chuẩn mực IAS 39.
Các mô hình rủi ro tín dụng mới sẽ cần phải được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu lịch sử về tổn thất tín dụng và các biến số kinh tế vĩ mô để ước tính tổn thất dự kiến trong tương lai.
Kết quả khảo sát của các ngân hàng Malaysia gần đây tiết lộ rằng, trích lập dự phòng đã tăng từ 25% đến 50% vào ngày đầu tiên áp dụng IFRS 9 và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận giữ lại của các ngân hàng.
Các mô hình tổn thất tín dụng dự kiến sẽ cho phép các ngân hàng Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu.
Các ngân hàng sẽ cần lượng dữ liệu lịch sử lớn với một danh sách đầy đủ các thông tin đầu vào của mô hình. Các ngân hàng có thể tận dụng các mô hình Basel hiện có, nhưng vẫn cần điều chỉnh cùng các yếu tố vĩ mô để áp dụng tính toán tổn thất tín dụng dự kiến theo IFRS 9.
Trình độ chuyên môn của các đội ngũ kế toán và quản trị rủi ro sẽ ảnh hưởng đến khả năng áp dụng IFRS 9.
(Còn tiếp)