Chuẩn bị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

0:00 / 0:00
0:00
Việc điều chỉnh thuế, theo Chính phủ sẽ góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể được thực hiện từ tháng 4/2022. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể được thực hiện từ tháng 4/2022.

Xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 là nội dung mới được bổ sung vào chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, ngày 16/3, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này, để thực hiện ngay từ tháng 4/2022.

Theo lịch họp, chiều mai (23/4), nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2022.

Cụ thể, xăng (trừ etanol): Giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít (giảm 50% so với mức hiện hành).

Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: Giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít (giảm 50% so với mức hiện hành).

Mỡ nhờn: Giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg (giảm 50% so với mức hiện hành).

Dầu hỏa: Giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Với nhiên liệu bay, tờ trình nêu rõ, do mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã được điều chỉnh giảm từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2022 (cụ thể: từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 giảm 30% từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 giảm 50% từ 3.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít). Theo đó, đề nghị giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Đánh giá tác động của đề xuất trên, Chính phủ tính toán, với giả thiết Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong 9 tháng còn lại của năm 2022 ổn định như giá tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3/2022 thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 ước khoảng 0,76% - 0,85%.

Tuy nhiên, do thuế bảo vệ môi trường là số tuyệt đối, CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành. Tác động của việc giảm thuế này đến CPI giảm dần khi giá xăng dầu tiếp tục tăng lên so với hiện hành; giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10% so với mức hiện hành; giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20% so với mức hiện hành; giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30% so với mức hiện hành.

Việc điều chỉnh thuế, theo Chính phủ còn góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao.

Theo Chính phủ, trong những năm qua, trong cơ cấu số thu ngân sách nhà nước, thì thu từ dầu thô vẫn luôn chiếm tỷ trọng cao. Khi giá dầu thô tăng, đồng nghĩa nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô tăng. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn khi giá xăng dầu tăng thể hiện sự chia sẻ một phần lợi ích của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp.

Góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân cũng là tác động được nêu tại tờ trình của Chính phủ.

Xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt nhóm ngành huyết mạch của nền kinh tế như giao thông vận tải, điện... Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân, Chính phủ nhìn nhận.

Liên quan đến môi trường và các cam kết quốc tế, tờ trình nêu, rõ, hiện nay, Nhà nước và Chính phủ đã quyết định chuyển hoạt động của nền kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân cũng đang dần dần chuyển về trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch.

Theo đó, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước nhiều khả năng sẽ tăng hơn so với thời điểm xảy ra dịch (năm 2020, năm 2021) và có thể gia tăng tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch (năm 2019). Nguyên nhân chính của việc gia tăng sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn là do nhu cầu của nền kinh tế khi chuyển sang trạng thái bình thường mới hậu dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn khó có khả năng tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch vì nền kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, về cơ bản, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2022 sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách thuế bảo vệ môi trường do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn.

Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên (trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu); đồng thời không làm tăng phát thải khí nhà kính và không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 do việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là có thời hạn đến hết ngày 31/12/2022.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục