Trong thông cáo phát đi vào chiều tối 10/3, Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng (số giảm thu bình quân một tháng là 2.661,6 tỷ đồng. Nếu áp dụng từ 01/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2022 diễn ra chiều 03/3/2022, Bộ Tài chính cho biết, đã xây dựng phương án đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (mức giảm 1.000 đồng/lít xăng; 500 đồng/lít, kg dầu, mỡ nhờn) và đã gửi cho Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các cơ quan liên quan để xin ý kiến.
Việc xây dựng dự thảo được cơ quan này tiến hành gấp rút ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160 ngày 22/2/2022 về đảm bảo nguồn cung xăng, dầu.
Trong văn bản trả lời Bộ Tài chính chiều 4/3, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, cụ thể là giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3 - 6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Quan điểm của VCCI và các doanh nghiệp là việc giảm thuế xăng dầu cần được tiến hành mạnh mẽ, linh hoạt hơn hơn. Lý do là giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi xung đột Nga-Ukraine và trừng phạt kinh tế diễn ra căng thẳng tại châu Âu.
Ngày 10/3, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị mức giảm gấp đôi mức đề xuất Bộ Tài chính đưa ra. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít, đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít, đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít, đối với dầu mazút là 1.000 đồng/kg, đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg
Trước đó, hồi tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít); với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Những điều chỉnh trên áp dụng từ 1/1/2019.
Tại kỳ điều hành xăng dầu gần nhất (1/3), giá xăng RON 95 đã tiến sát mốc 27.000 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 26.077 đồng/lít, dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.978 đồng/lít, dầu mazut 18.468 đồng/kg.