Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để triển khai kế hoạch 2025

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 cán đích ở mốc 7,09% - đạt mức cao thứ tư kể từ năm 2011. “Kinh tế tăng trưởng ở cả phía sản xuất và phía cầu. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cao hơn, do đó cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Đúng như dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%. Về phía sản xuất, theo bà, tăng trưởng kinh tế dựa vào những yếu tố nào?

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức, với những yếu tố bất định về kinh tế, chính trị, song nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục với mức tăng trưởng GDP đạt 7,09% - đây là mức cao thứ tư kể từ năm 2011.

Xét từ phía sản xuất, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh trên nền tăng trưởng thấp của năm 2023. Các mặt hàng ô tô, thép, sản phẩm điện tử tăng cao, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành sản xuất thiết bị điện, hóa chất, cao su, plastic cũng ghi nhận mức tăng vượt bậc, phản ánh sự mở rộng năng lực sản xuất.

Ngành nông nghiệp, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, vẫn đạt tăng trưởng ổn định nhờ chủ động phòng chống thiên tai và nâng cao năng suất. Các loại cây trồng chủ lực như lúa, cà phê, sầu riêng đạt sản lượng cao, trong khi chăn nuôi gia cầm và lợn tiếp tục tăng trưởng nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt và mở rộng các chuỗi liên kết. Xuất khẩu nông sản đạt mức tăng ngoạn mục, khẳng định vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các ngành dịch vụ như vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành, thương mại... tăng trưởng khá nhờ du lịch phục hồi. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Lĩnh vực logistics cũng được tăng cường nhờ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển được đầu tư mới và mở rộng. Hạ tầng giao thông nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền, đồng thời giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82% (năm 2023 tăng 11,48%).

Xét từ phía cầu thì sao, thưa bà?

Tiêu dùng nội địa mặc dù chưa đạt như thời kỳ trước đại dịch, nhưng đang dần khôi phục nhờ thu nhập của người dân tăng. Bên cạnh đó, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2024, cùng các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng, sự sôi động của ngành du lịch đã hỗ trợ thúc đẩy chi tiêu cá nhân, đặc biệt trong các dịp lễ hội và cuối năm. Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, đô thị đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân cho các dự án trọng điểm như đường cao tốc, cầu đường bộ, cảng biển và các khu công nghiệp lớn, thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và sản xuất linh kiện. Những dự án này không chỉ tạo việc làm, mà còn giúp chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ nỗ lực nhằm đa dạng hóa thị trường và năng lực cạnh tranh được nâng cao. Việt Nam tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA để thâm nhập thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu và châu Mỹ. Nhờ các yếu tố, động lực chính này, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ổn định, duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế và xây dựng nền tảng vững chắc, làm bản lề cho năm 2025 bứt phá tăng trưởng.

Nhưng một trong 3 động lực quan trọng nhất là đầu tư công khó có thể hoàn thành 95% kế hoạch?

Tuy chưa hoàn thành kế hoạch, nhưng đầu tư công đã có nhiều tín hiệu tích cực. Năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình, đặc biệt là dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; đường cao tốc; công trình trọng điểm, liên vùng; dự án có tác động lan tỏa.

Năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% và phấn đấu tăng 7-7,5%. Đây là mục tiêu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo bà, dựa vào đâu để có thể tăng trưởng ở mức này?

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% và phấn đấu tăng 7-7,5% là mục tiêu cao, nhưng đây là mục tiêu định hướng trong bối cảnh đất nước bước vào năm cuối hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để đạt mức tăng trưởng này, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; phát huy tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, phải thực hiện quyết liệt cải cách thông qua việc tinh gọn bộ máy nhà nước. Xây dựng cơ chế thông thoáng, qua đó tạo tiền đề thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, kích thích đầu tư tư nhân trong nước để phát triển các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn. Ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, đặc biệt là chi phí logistics để nâng cao tính cạnh tranh.

Bên cạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, thì thúc đẩy du lịch, đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế phải được coi là mục tiêu quan trọng nhằm lan tỏa tới các ngành dịch vụ liên quan, đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tóm lại, mục tiêu tăng trưởng cao đi cùng với nhiều khó khăn và thách thức. Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ để hướng tới kết quả tốt nhất.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục