Ngày 31/8, Thanh tra Bộ Công thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 doanh nghiệp đầu mối, các công ty trực thuộc, với tổng số tiền phạt hơn 13,3 tỷ đồng.
Ngoài phạt tiền, còn áp dụng xử phạt bổ sung là tước quyền giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp trong một tháng.
5 doanh nghiệp bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Hành vi vi phạm hành chính của các thương nhân đầu mối là: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu/thương nhân nhượng quyền với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu; thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định...
Trước đó, 15/02/2022, Bộ Công thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đây cũng là hành động nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp là đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng như hệ thống phân phối là thương nhân, tổng đại lý, đại lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải: "Sau nhiều cân nhắc về khó khăn của các doanh nghiệp sau dịch, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương chiều 6/9 đã họp, thống nhất trước mắt xử phạt hành chính bằng phạt tiền với các doanh nghiệp này".
Hình thức phạt bổ sung là tạm thời tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp vẫn áp dụng nhưng sẽ áp dụng trong một thời điểm phù hợp.
Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, khi 5 doanh nghiệp bị tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì căn cứ Điều 9, Nghị định 83 thì sẽ không còn 19 quyền lợi, quyền hạn để thực hiện trong đó có việc không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác...
Do đó, việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường tại các địa bàn kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Hiện 5 doanh nghiệp đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa), sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước hiện đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép).
"Chúng ta phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công thương luôn lưu ý tới những khó khăn của doanh nghiệp đang phải đối mặt và điều quan trọng nhất là bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và 100 triệu dân của cả nước", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.