Theo báo cáo về tình hình công nợ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, kể từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp luôn trong tình trạng lỗ. Do khó khăn nên công ty không cân đối được tiền để trả nợ các tổ chức tín dụng cho các khoản vay đầu tư Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình.
Cụ thể, để thực hiện nhà máy, tháng 3/2008 và tháng 5/2009, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ký Hợp đồng vay tín dụng đầu tư với Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Bình với tổng hạn mức tín dụng là 4.770 tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2018, dư nợ gốc của hai hợp đồng tín dụng nêu trên là 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD.
Do khó khăn và không thể cân đối được các khoản vay kể trên nên Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) đã thực hiện việc hỗ trợ bằng trả nợ thay các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn. Tính đến ngày 30/4/2018, tổng số tiền mà Vinachem đã trả thay cho Đạm Ninh Bình là hơn 2.974 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Vinachem cũng phải thừa nhận không thể tiếp tục cứu kiểu “con dại cái mang”. Bởi, chính tập đoàn mẹ cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Vinachem không có đủ khả năng để thu xếp nguồn tiền để trả nợ các khoản đến hạn cho Ngân hàng phát triển Việt Nam trong năm 2018. Mà, tập đoàn chỉ có thể thu xếp trả một phần nợ gốc, tương đương với phần gợ gốc mà Vinachem đã trả cho tổ chức tín dụng này trong năm 2017.
Tính đến tháng 4/2018, số tiền phải trả theo thông báo của Ngân hàng gồm cả gốc, lãi phát sinh của tháng 4 và gốc lãi quá hạn chưa thanh toán của tháng 1,2 và 3 là gần 204 tỷ đồng và hơn 140.000 USD. Tuy nhiên, ngày 26/4/2018, Vinachem mới thanh toán được 50 triệu đồng và 200 đôla Mỹ.
Hiện, số tiền mà tập đoàn chưa thể thanh toán cho phía ngân hàng liên quan đến khoản nợ kể trên là trên 203 tỷ đồng và hơn 139.800 USD.
Từng là niềm kỳ vọng của ngành hoá chất, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động (năm 2012), Nhà máy Đạm Ninh Bình luôn chìm đắm trong thua lỗ.
Với số lỗ quá lớn nên năm 2016, công ty này đã phải tạm dừng hoạt động. Đầu năm 2017, sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, Đạm Ninh Bình bắt đầu gượng dậy sản xuất nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty Đạm Ninh Bình, lỗ luỹ kế của nhà máy này tính đến hết năm 2016 là 3.163 tỷ đồng, trong đó số lỗ lớn nhất là năm 2016 với hơn 1.078 tỷ đồng, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động 5 tháng liền.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này, trong đó có yêu cầu thanh tra toàn diện Đạm Ninh Bình để xác định yếu kém; đưa doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt trong top 12 dự án lớn thua lỗ ngành Công Thương.
Được sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành và chứng kiến chu kỳ giá phân bón đang lên, tháng 1/2017, Đạm Ninh Bình bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sự “gượng dậy” trong cơn ốm yếu, cộng với việc chưa tìm ra giải pháp căn cơ khiến doanh nghiệp này chưa thoát cảnh chật vật.