Chưa thể dự báo trung và dài hạn cho thị trường dệt may

0:00 / 0:00
0:00
Trước diễn biến rất phức tạp của Covid-19, chưa thể có dự báo trung và dài hạn cho thị trường dệt may, mọi diễn biến đều đang xoay trong chu kỳ 3 - 6 tháng.

Đó là nhận định của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Thưa ông, xuất khẩu dệt may đã hồi phục từ đầu năm đến nay, sau 1 năm tăng trưởng âm. Sự tăng trưởng này đến từ đâu?

Ông Lê Tiến Trường

Ông Lê Tiến Trường

Sau năm 2020 với kết quả từng quý đều thấp hơn so với năm 2019, sang quý I/2021 đã chứng kiến sự phục hồi khá tốt của ngành dệt may, với mức tăng trưởng đạt 9,6%, bù lại được mức suy giảm của năm 2020, trong bối cảnh tổng nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may thế giới chỉ phục hồi nhẹ và còn khá xa so với năm 2019.

Quan trọng nhất là, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được cải thiện nhanh hơn tốc độ phục hồi doanh thu. Điều này cho thấy, các nỗ lực và giải pháp khắc phục khó khăn do Covid-19 thực hiện trong năm 2020 tiếp tục phát huy tác dụng trong quản trị doanh nghiệp.

Tại Vinatex, ngành sợi đã có sự khởi sắc cả về đơn hàng và hiệu quả sau 24 tháng kinh doanh dưới giá thành, góp phần quan trọng làm tăng hiệu quả lên trên 28% so với cùng kỳ. Ngành may có đủ việc làm đến hết 6 tháng đầu năm, nhưng chủ yếu vẫn là đơn hàng cơ bản, giá trị thấp.

Số lượng đơn hàng tăng cao trong quý I/2021 có yếu tố khách quan đến từ sự dịch chuyển trở lại của đơn hàng đặt tại Myanmar do bất ổn chính trị tại nước này từ đầu năm gây nên.

Như vậy, các doanh nghiệp đang có những thuận lợi nhất định từ khó khăn của các quốc gia xuất khẩu trong khu vực, thưa ông?

Xuất khẩu đã đạt được kết quả khả quan hơn trong những tháng đầu năm, nhưng với riêng Vinatex thì vẫn còn những điểm hạn chế, như tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hiệu quả ngành sợi chủ yếu là do tác động thuận lợi của thị trường mang lại, chứ không phải đến từ việc đổi mới mô hình kinh doanh; tuyển dụng lao động trong doanh nghiệp vẫn kém hấp dẫn hơn so với khối FDI và tư nhân cùng làm dệt may, dẫn tới nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn và thời gian giao hàng ngắn...

Bên cạnh đó, thị trường sợi vừa phục hồi được khoảng 5 tháng lại đã có những dấu hiệu trầm lắng, giao dịch mua giảm trên 10% cả về số lượng và giá, trong khi giá bông và xơ polyester lại diễn biến theo chiều ngược lại, với mức tăng trên 5% trong 1 tháng qua. Năng lực sản xuất vải còn hạn chế, dẫn tới chưa đủ sức cung cấp cho khách hàng lớn, chủ yếu vẫn làm nội địa và khách hàng xuất khẩu nhỏ, nên đóng góp không đáng kể cả về phương diện doanh thu lẫn hiệu quả.

Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và cả Việt Nam, ông dự báo ra sao về tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong năm 2021?

Thị trường 6 nước cung ứng hàng hóa dệt may ở Nam Á và Đông Nam Á bị ngưng trệ sản xuất do Covid-19 có thể là một chỉ dấu cho thấy, trong quý II và quý III năm nay, doanh nghiệp may sẽ có nhiều đơn hàng nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy vậy, những dấu hiệu dịch bệnh chưa được kiềm chế tại châu Âu hay nền kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm có thể vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu hàng dệt may.

Tôi cho rằng, có thể phải tới năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại như năm 2019. Hiện chưa có một dự báo trung và dài hạn cho thị trường này và mọi diễn biến đều đang xoay trong chu kỳ 3 - 6 tháng, do thị trường còn rất nhạy với diễn biến dịch bệnh toàn cầu cả về cung và cầu.

Năm 2021, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu ở kịch bản cao là 39 tỷ USD (bằng với năm 2019) và mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD. Để có thể cán đích, nhiệm vụ của doanh nghiệp sẽ rất nặng nề, thưa ông?

Với những diễn biến thị trường như hiện nay, doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm và vấn đề lớn với lãnh đạo doanh nghiệp là phải điều hành sản xuất ra sao trong bối cảnh thị trường khó đoán định do dịch bệnh phức tạp.

Với ngành may, theo tôi, cần lựa chọn một “thực đơn” đơn hàng tối ưu để tối đa hóa năng suất và hiệu quả trong điều kiện cầu vượt cung. Trong ngắn hạn, tình trạng đơn hàng nhiều hơn so với năng lực sản xuất có thể được duy trì do ảnh hưởng của dịch bệnh ở Nam Á và bất ổn chính trị ở Myanmar, do đó, lựa chọn làm đơn hàng nào trở thành bài toán “cân não” với nhà quản lý.

Với ngành sợi, vì nguyên liệu lên giá, thành phẩm xuống giá, nên cần chú trọng quản trị tồn kho nguyên liệu. Đặc biệt, phải kiên định mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang có 30 - 40% năng lực sản xuất phục vụ trong chuỗi cung ứng, kể cả trong và ngoài nước.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục