Bộ GTVT vừa có thông tin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT, đã tạm dừng thu phí từ ngày 13/01/2023.
Sau nhiều lần đàm phán hợp đồng (19 lần), nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án (BVEC) đã bàn giao hạng mục công trình cho Khu Quản lý đường bộ IV tiếp nhận nhưng chưa thống nhất với Cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để triển khai các bước tiếp theo cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Hợp đồng BOT, dẫn đến công tác bảo trì công trình không kịp thời, phát sinh hư hỏng, ổ gà, có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Với tinh thần kiên trì, làm rõ trách nhiệm của các bên, ngày 13/9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã gửi giấy mời tới Doanh nghiệp dự án tiếp tục đàm phán lần thứ 20 về việc hai bên thống nhất Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để Cơ quan quản lý đường bộ có đủ cơ sở bố trí kinh phí bảo quản công trình theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp dự án đề nghị hoãn, để các nhà đầu tư trao đổi thống nhất nội bộ trước khi đàm phán.
Bộ GTVT cho biết, trường hợp hai bên không chấm dứt hợp đồng thông qua đàm phán, thỏa thuận. Cục Đường bộ Việt Nam với trách nhiệm là Cơ quan ký kết hợp đồng dự án (được Bộ GTVT ủy quyền) sẽ căn cứ khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư theo phương thức PPP để thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.
Trong thời gian chưa chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Doanh nghiệp Dự án vẫn có trách nhiệm tiếp tục bảo trì công trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật, hợp đồng BOT đã ký nếu để xảy ra tai nạn do nguyên nhân phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng BOT không đảm bảo yêu cầu.
“Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam với thẩm quyền là cơ quan quản lý đường bộ đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ IV tăng cường tổ chức kiểm tra, chủ động phối hợp các đơn vị có chức năng bảo trì thực hiện bảo dưỡng, duy tu, khơi thông hệ thống thoát nước và tiến hành công tác đảm bảo giao thông trên tuyến”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 có “lịch sử phức tạp” hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.
Theo đại diện BVEC, trước khi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 được triển khai, Bộ GTVT có triển khai 1 dự án mở rộng Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, Quốc lộ 51.
Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, nên Bộ GTVT đã đề xuất BVEC nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền là 400 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn là lãi suất cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Tiếp đó, trong quá trình lập chủ trương Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600, giá trị nhận chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư Dự án.
Theo Hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC vào năm 2009, thời gian kết thu hoàn vốn của hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20,66 năm, trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến ngày 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến ngày 28/3/2033).
Cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030, trong đó bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến ngày 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, trên cơ sở xuất hiện một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác).
Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Đại diện BVEC cho rằng, cách tính của Cục Đường bộ Việt Nam là mang tính chủ quan, không có cơ sở pháp lý, nhất là khi thời gian tạo lợi nhuận 4 năm đã được các bên đàm phán thống nhất, được Bộ GTVT chấp thuận; được Cục Đường bộ Việt Nam đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BOT và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong quá trình đàm phán, BVEC cho biết, đơn vị cũng đã thiện chí và đưa ra phương án điều chỉnh thời gian tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư từ 48 tháng xuống còn 40 tháng, nhưng không được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.