Không thể vì khiếu kiện nhiều mà thay đổi
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, theo báo cáo tóm tắt kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), hiện đã có 6.958.848 lượt ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, chương 6 về “Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”, có đến 1.991.176 lượt ý kiến. Điều này cho thấy, vấn đề người dân quan tâm nhất chính là những quy định liên quan đến việc đền bù khi thu hồi đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại quy định về việc Nhà nước thu hồi đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Có ý kiến lại cho rằng, nên thay đổi hình thức thu hồi bằng hình thức trưng mua lại đất đã giao cho người dân. Tuy nhiên, ông Hiển tiếp tục khẳng định, việc thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu.
Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là vấn đề gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội thời gian qua
“Việc thực hiện thu hồi đất thời gian qua chưa tốt gây khiếu kiện là một thực tế, nhưng không vì thế mà loại bỏ quy định này”, ông Hiển nói và cho biết, Dự thảo Luật lần này đã xác định rõ: Nhà nước thu hồi để đảm bảo các dự án quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, công cộng”.
Cũng trong đợt tổng hợp góp ý sửa đổi Luật Đất đai lần này, nổi lên kiến nghị xem xét lại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý, mà thay vào đó là nên giao quyền sở hữu cho người dân. Lý giải vấn đề này, Bộ TN&MT cho rằng, việc thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhằm bảo đảm cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Người sử dụng đất được giao các quyền sử dụng đất và được Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các quyền này; đồng thời, có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quan điểm “trái chiều” của Bộ Tài chính
Không chỉ ý kiến đóng góp của người dân vẫn tỏ ra chưa đồng tình với hàng chục vấn đề theo quy định của Dự thảo Luật Đất đai, mà ngay trong các cơ quan của Chính phủ cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đó là việc Bộ Tài chính, sau nhiều lần góp ý nhưng không được Ban soạn thảo tiếp thu, đã có văn bản gửi thẳng lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, Dự thảo Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có phạm vi tác động rất rộng, trực tiếp và sâu sắc đến phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, tuy nhiên, “các nội dung của Dự thảo Luật không có nhiều nội dung đổi mới, do đó, chưa giải quyết được các vấn đề lớn đang gây bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội như: thu hồi đất; bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết khiếu nại tố cáo, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai...”.
Bộ Tài chính cho rằng, nhiều quy định của Dự thảo Luật chủ yếu hướng tới tăng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý TN&MT nói chung và của Bộ TN&MT nói riêng trong quản lý nhà nước về đất đai. Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai quy định hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được thành lập thống nhất từ trung ương đến cơ sở là chồng chéo và làm tăng bộ máy hành chính quản lý nhà nước về đất đai. Vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị bỏ hẳn quy định như trên.
Một nội dung nữa mà Bộ Tài chính không đồng tình là quy định đối với một số trường hợp “thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bồi thường khi thu hồi đất, xác định giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa thì UBND cấp tỉnh quyết định giá cụ thể (giá thị trường) cho từng trường hợp”. Theo Bộ Tài chính, nếu làm “từng trường hợp” theo dự thảo thì theo quy định sẽ phải đấu thầu thuê tư vấn giá đất, thành lập tổ liên ngành xác định giá đất... Trong khi, nếu không quy định nguyên tắc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá cụ thể thì chắc chắn sẽ dẫn đến tăng thủ tục hành chính, tùy tiện, không công bằng trong việc xác định giá đất như thực tế đang xảy ra tại một số nơi, không đạt được mục tiêu giảm khiếu nại, khiếu kiện do giá đất.
Trao đổi với phóng viên ĐTCK sau khi tiếp nhận thông tin trên, một lãnh đạo của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, không có bình luận gì xung quanh ý kiến trên để tránh gây ra những cuộc tranh luận không cần thiết. “Những nội dung trên sẽ được báo cáo giải trình trực tiếp với Thủ tướng”, vị lãnh đạo này nói.
Ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng
Đất đai luôn quan trọng, đặc biệt với người nghèo và nhóm yếu thế. Thu hồi mà không tính đến sinh kế sẽ buộc họ quay lại nghèo đói, thất nghiệp. Cử tri Hải Phòng mong muốn Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này phải yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến và sự đồng thuận của người dân khi quy hoạch, đồng thời công bố công khai và xử lý phản hồi kịp thời khi có khiếu nại. Việc công khai sẽ hạn chế tình trạng đất “treo”, dự án “treo” để đảm bảo người dân được quyền sinh sống bình thường.
Đối với giá đất, cử tri Hải Phòng đề xuất nguyên tắc “đảm bảo khung giá sát với giá thị trường, đảm bảo đồng thuận khi trưng dụng đất nông nghiệp và đảm bảo sinh kế cho người mất đất”. Riêng đối với việc thu hồi đất ở, phải đảm bảo nguyên tắc người bị thu hồi đất phải có chỗ ở mới ổn định ngay sau khi đất đai bị thu hồi. Các khu tái định cư phải hoàn thành và quy định rõ về chất lượng, hạ tầng trước khi trưng dụng. Các quy định về tạo điều kiện đời sống, việc làm, đặc biệt đối với người già, hết tuổi lao động, gia đình chính sách sau khi bị thu hồi đất cần phải đưa vào luật.
Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Dự thảo Luật chưa có thay đổi về chính sách lớn mà chỉ thay đổi chi tiết, sửa sang câu chữ, thậm chí có điểm là bước thụt lùi. Dự thảo Luật mới chỉ đứng trên quyền lợi Nhà nước, chứ chưa đứng về phía người dân, đặc biệt như quy định quyền giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thay vì UBND như trước đây.
Theo tôi, cái đích mà chúng ta cần hướng đến không phải là nhanh mà cần kiểm soát quyền lực của cá nhân có nguy cơ tham nhũng đất đai. Không thể tập trung quyền quyết định vào một cá nhân. Quá trình thẩm tra giao đất cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Việc trao quyền từ tổ chức sang cá nhân chắc chắn sẽ khiến nguy cơ tham nhũng nhiều hơn. Tham nhũng trong quản lý đất đai đang ở nhóm đứng đầu trong "bảng tham nhũng". Tham nhũng xuất hiện từ trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đến quá trình thu đất của người đang sử dụng để giao trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật không có những ý tưởng mới để điều chỉnh, kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực này.
Bà Châu Thị Thu Nga, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay thì đất đai ngày càng có giá trị lớn. Thị trường quyền sử dụng đất phát triển đã tạo nên khởi sắc của thị trường bất động sản, thúc đẩy các giao dịch bất động sản, nhưng cũng tồn tại những hạn chế và bất cập. Trên thực tế, còn có cả những hành vi đầu cơ mua, bán bất động sản qua nhiều cầu, mua, bán thông qua các hợp đồng ủy quyền nhằm mục đích thu lời. Để chống đầu cơ đất, ở Thái Lan, luật pháp có quy định: nếu người sử dụng đất bán đất trước 5 năm sau khi sử dụng mà không có điều kiện gì khác kèm theo thì phải nộp thuế gấp 1,5 lần so với mức thuế chuyển nhượng ở điều kiện bình thường. Nhưng trong luật ở nước ta chưa có các chế tài cụ thể dẫn đến giao dịch ngầm còn nhiều. Để từng bước hạn chế và ngăn chặn các hành vi trên, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.
Cụ thể, tất cả các trường hợp mua, bán thông qua các hợp đồng ủy quyền, nếu hồ sơ thực hiện có thời gian từ 2 đến 3 năm thì cần phải thu thuế tỷ lệ cao, có thể gấp 2 hoặc 3 lần mức thuế mà người chuyển nhượng thực hiện đối với các giao dịch thông thường. Hậu quả của việc tránh né, nộp thuế thiếu sẽ gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.