“Chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội lớn như vậy để thu hút các TNCs đến đầu tư tại Việt Nam, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của họ”, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã khẳng định như vậy với phóng viên Báo Đầu tư, bất chấp những nhận định gần đây cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã dần trở nên mất sức hấp dẫn hơn so với các quốc gia lân cận.
Dẫn câu chuyện của Samsung, ông Mại chứng minh, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả Microsoft cũng đã vào Việt Nam vì sức tác động của Samsung. Ông Mại cũng đã dẫn các trường hợp của Intel, LG, Microsoft, Canon để khẳng định cho nhận định của mình.
“Việt Nam đã và đang trở thành cứ điểm của thế giới trong sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử...”, ông Mại nói và bày tỏ kỳ vọng rằng, trong năm sau hoặc trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ thực sự trở thành cứ điểm sản xuất của các TNCs công nghệ cao.
Bắt đầu sản xuất tại Việt Nam từ năm 2009, với dự án ban đầu ở Bắc Ninh chỉ có vốn đầu tư 670 triệu USD, cho đến nay, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã nâng tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) có vốn đầu tư 2 tỷ USD, bắt đầu đi vào sản xuất hồi tháng 3 năm nay.
Ngoài hai nhà máy chính, năm ngoái, Samsung Electro Mechanics còn có dự án chuyên sản xuất bo mạch 1,23 tỷ USD ở Thái Nguyên; còn Samsung Display có dự án 1 tỷ USD, chuyên sản xuất màn hình có độ phân giải cao dùng cho điện thoại di động ở Bắc Ninh.
Bên cạnh dự án sản xuất pin cho điện thoại di động Samsung SDI, vốn đầu tư 150 triệu USD, thì Samsung Electronics cũng vừa nhận thêm giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Samsung CE Complex (SECC) tại TP.HCM, với vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD. Với dự án này, Samsung sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng như Smart TV, TV LCD, LED…
Tại lễ nhận Giấy chứng nhận đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu tháng 10/2014, đại diện Samsung khẳng định, việc nhận giấy phép đầu tư Dự án Samsung CE Complex (SECC) đã thêm một cột mốc mới đánh dấu thành công của Samsung tại Việt Nam, tiếp tục ghi rõ dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới về sản xuất và cung ứng các sản phẩm điện tử và di động. “Cùng với SEV và SEVT, Dự án Samsung CE Complex tại TP.HCM sẽ tiếp tục góp phần đưa Việt Nam trở thành những mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung”, vị này nói.
Trong khi đó, sau khi nhận chuyển giao nhà máy sản xuất điện thoại di động Nokia ở Bắc Ninh, vốn đầu tư 302 triệu USD, Microsoft đã có những bước đi chiến lược khi quyết định đóng cửa toàn bộ hoặc một phần các nhà máy sản xuất ở Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico) để chuyển giao các dây chuyền sản xuất về Nhà máy Nokia Bắc Ninh.
39 dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sẽ được tập trung về đây để biến Nokia Bắc Ninh thành một nhà máy đóng vai trò chủ lực trong sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Microsoft. Không chia sẻ về các kế hoạch tăng vốn đầu tư, song tụ họp tại Singapore mới đây, lãnh đạo của Microsoft cho biết, nhà máy ở Bắc Ninh sẽ trở thành nhà máy lớn thứ hai toàn cầu của Tập đoàn.
Cùng với xu hướng này, còn có thể nhắc tới LG, với nhà máy 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, hay Intel, với kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Costa Rica về Việt Nam. Sắp tới, thông tin từ Intel cho biết, sẽ có 80% sản phẩm CPU Haswell (chip thế hệ thứ 4) của Tập đoàn được sản xuất tại Việt Nam.
Có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, Intel, khi bắt đầu vào Việt Nam, đã trở thành một “con chim mồi” để từ đó, kích hoạt vốn đầu tư của các đại gia công nghệ. Nhờ có sự xuất hiện của các đại gia này, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 27,6 tỷ USD các sản phẩm điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…
“Cơ hội cho Việt Nam là rất lớn, vẫn rất nhiều TNCs công nghệ cao tìm đến Việt Nam. Phải làm sao để tận dụng được cơ hội này”, ông Mại nhấn mạnh.