Samsung vì sao gọi là “hiện tượng” đầu tư FDI?

Samsung thực sự trở thành một “hiện tượng” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, khi nhà đầu tư này vừa nhận Giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng thêm Nhà máy Samsung Display trị giá 1 tỷ USD ở tỉnh Bắc Ninh.
Samsung vì sao gọi là “hiện tượng” đầu tư FDI?

Là hiện tượng không chỉ bởi lượng vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam hiện rất lớn, lên tới trên 6,85 tỷ USD, nếu tính cả Dự án Samsung Display, mà còn vì quá trình triển khai nhanh và hiệu quả, tạo sức lan tỏa khá lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay khi Samsung đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động, vốn đầu tư 670 triệu USD, đi vào hoạt động vào tháng 4/2009, dư luận đã coi dự án này như là một hình mẫu trong thu hút FDI. Lý do là, vào thời điểm đó, Samsung là một trong hiếm hoi các đại gia công nghệ nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến, sau “cú hích” Intel.

Dự án của Samsung không chỉ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn tạo kỳ vọng trong thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, đầu tư cho R&D, tạo việc làm, tăng xuất khẩu, thu ngân sách… và cả cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của một tập đoàn hàng đầu thế giới.           

5 năm sau khi Samsung Bắc Ninh đi vào hoạt động, những kỳ vọng đó đã trở thành hiện thực, thậm chí còn hơn cả kỳ vọng. Ban đầu chỉ là lắp ráp, nhưng từng bước, Samsung đã đầu tư cho các nhà máy sản xuất linh, phụ kiện cho điện thoại di động.

Khởi đầu chỉ là một dự án quy mô không quá lớn, nhưng từng bước, là hai tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam. Và Việt Nam, từ chỗ chỉ là “cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” của Samsung, đã trở thành “cứ điểm sản xuất mới”, rồi “cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh” của tập đoàn này.

Những đóng góp của tập đoàn này cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng tăng nhanh cùng các kế hoạch đầu tư thần tốc tại Việt Nam. Từ 245 triệu USD kim ngạch xuất khẩu của năm đầu, trong năm 2013, Samsung đã đóng góp tới 23,9 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt giá trị gia tăng khoảng 7,6 tỷ USD. Con số này năm nay dự kiến khoảng 30 tỷ USD và sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới.

Gần đây, số lượng nhà đầu tư vệ tinh theo chân Samsung vào Việt Nam cũng tăng nhanh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD, góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử Việt Nam. Số lượng người lao động đã lên tới khoảng 60.000 người. Và đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng không hề nhỏ, với khoảng 1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013, năm đầu tiên Samsung phải nộp thuế này sau 4 năm được miễn…

Vẫn còn những ý kiến trái chiều liên quan đến những lợi ích mà Việt Nam có được khi thu hút đầu tư của Samsung, nhưng một điều rất rõ ràng, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện lớn nhất, đầu tư nhanh và hiệu quả tại Việt Nam. Đây cũng là nhà đầu tư thuộc nhóm các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của nhà nước ta.

Hiện tượng Samsung rõ ràng cần được nghiên cứu để có thêm những bài học kinh nghiệm trong thu hút FDI.

Tại sao Samsung lại đổ vốn lớn vào Việt Nam? Đâu là cách tiếp cận tốt nhất và hiệu quả nhất đối với các tập đoàn lớn trên toàn cầu, để họ thực sự tin tưởng và dốc vốn vào Việt Nam? Các địa phương nên học hỏi kinh nghiệm của Bắc Ninh và Thái Nguyên ra sao? Làm sao để các dự án FDI khác cũng thực sự tạo sức lan tỏa lớn đến kinh tế - xã hội như các dự án của Samsung?...

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra và rất cần có câu trả lời thỏa đáng để chủ trương nâng cao chất lượng dòng vốn FDI được thực thi có hiệu quả.

Hà nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục