Chủ tịch VietinBank (CTG) chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số

(ĐTCK) Năm 2024, VietinBank đã hoàn thành giai đoạn "chạy đà" quan trọng với 45 sáng kiến được ưu tiên triển khai , đặt nền móng vững chắc cho hành trình chuyển đổi số.
Chủ tịch VietinBank Phạm Minh Bình

Bài học kinh nghiệm

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2025, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (mã chứng khoán CTG) cho biết, với quyết tâm mạnh mẽ, từ năm 2023, VietinBank đã bắt đầu triển khai chương trình chuyển đổi số toàn diện mang tên X01, với 108 sáng kiến theo 4 trụ cột: Số hóa, Công nghệ, Dữ liệu và Mô hình tổ chức, trong đó bao gồm những sáng kiến thúc đẩy, cải tiến hoạt động kinh doanh (Run the bank) cũng như rất nhiều sáng kiến mang tính thay đổi, đột phá, khai thác sâu các tiềm năng để tạo ra sự khác biệt lớn cho Ngân hàng (Change the Bank).

Theo đó, Ngân hàng đã ra mắt các sản phẩm/tính năng số mới đặc biệt là trên kênh số, nâng cao trải nghiệm khách hàng, trực tiếp đem lại hiệu quả nhờ tăng doanh thu và tiết giảm chi phí: Giải ngân và Bảo lãnh online, Digigold… đem đến sự tiện lợi vượt trội, tiết giảm thời gian và thủ tục cho khách hàng, giảm thiểu rủi ro tác nghiệp, giúp tăng năng suất lao động.

"Ở một số sáng kiến tỷ lệ khai thác thành công lên tới 30% - cao hơn so với mức khuyến nghị của đối tác tư vấn là 5-6%; tỷ lệ chuyển doanh số từ kênh quầy lên kênh số tăng gấp 2 lần sau 3-6 tháng triển khai (đạt 10-11% so với giai đoạn đầu là 3-4%", ông Bình cho biết.

Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa điều hành, bán hàng, quản trị rủi ro, marketing dựa trên dữ liệu…từ đội ngũ Ban lãnh đạo Ngân hàng cho đến hàng ngàn khách hàng tại các Chi nhánh với việc phát triển, thí điểm, triển khai hàng loạt sáng kiến về ứng dụng dữ liệu, các mô hình phân tích nâng cao như AI, Big Data, Machine learning…

Đồng thời, nâng cao năng suất lao động thông qua các sáng kiến về số hóa hành trình khách hàng, số hóa quy trình tác nghiệp của nhân viên, ứng dụng robotic và phát triển các công cụ hỗ trợ để tăng cường năng lực xử lý tự động, tiết giảm thời gian, chi phí.

"Tăng cường sức mạnh công nghệ, năng lực dữ liệu và an toàn, bảo mật thông qua hàng loạt sáng kiến được xây dựng theo kiến trúc công nghệ, cũng như các sáng kiến để tăng cường năng lực dữ liệu, bảo mật và hiện đại hóa hạ tầng CNTT", ông Bình nhấn mạnh.

Câu chuyện nhân lực

Theo thống kê từ các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới, có đến hơn 70% các chương trình chuyển đổi trên toàn thế giới không thành công, trong đó rào cản lớn nhất là thay đổi tư duy, nhận thức đổi mới về chuyển đổi số và nguồn lực thiếu hụt nhất chính là nhân tài. Học hỏi kinh nghiệm từ gần 3.000 tổ chức tham gia đánh giá, ông Bình cho biết, VietinBank đã sớm tìm hiểu các nhóm nguyên nhân để xây dựng các giải pháp thúc đẩy sự thành công của Chương trình chuyển đổi.

"Xác định con người chính là trung tâm và yếu tố quan trọng quyết định sự thành công, VietinBank đã quyết liệt lan tỏa trong toàn tổ chức từ trụ sở chính đến chi nhánh, để thay đổi từ tư duy đến cách thức làm việc, với nguồn lực và ưu tiên cao nhất cho chuyển đổi số", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, để nâng cao năng lực đội ngũ, VietinBank tuyển dụng các vị trí nhân sự với kỹ năng mới và hiếm có trên thị trường, song song với việc đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ nhân sự hiện hữu để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi: Agile, tư duy thiết kế, sử dụng AI, làm chủ dữ liệu… Đồng thời, ứng dụng phương pháp triển khai các sáng kiến chuyển đổi số bài bản, hiệu quả, chặt chẽ, có tính thực tiễn cao, hướng đến khách hàng.

"Thành lập Nhà máy số - là đơn vị tiên phong áp dụng phương pháp làm việc Agile và cơ cấu tổ chức mới, khoa học để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm tới khách hàng và nhanh chóng thu thập phản hồi để cải tiến liên tục", ông Bình thông tin.

Định hướng chính

Bước sang năm 2025, ông Bình cho biết, Ngân hàng đang quyết tâm đẩy nhanh Chương trình chuyển đổi, thậm chí sớm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu. Chủ tịch VietinBank đề xuất một số kiến nghị:

Thứ nhất, trích lập Quỹ dự phòng rủi ro hoạt động, bao gồm cả rủi ro CNTT: Trước sự gia tăng của các nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bên cạnh việc chủ động nâng cao năng lực bảo đảm an ninh an toàn hệ thống, VietinBank đề xuất NHNN nghiên cứu cơ chế cho phép các ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro hoạt động, bao gồm cả rủi ro CNTT.

"Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó kịp thời với các sự cố tấn công mạng và đảm bảo quyền lợi tài chính cho khách hàng khi xảy ra tổn thất", ông Bình nói.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số vẫn đang rất khan hiếm, đồng thời yêu cầu về mức lương cao dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng với hạn chế về Quy định Quỹ lương dành cho các Ngân hàng có vốn Nhà nước.

Ông Bình đề xuất: "NHNN hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, các chương trình trao đổi, hợp tác về nhân sự trong lĩnh vực chuyển đổi số tầm thế giới và khu vực. Xem xét có cơ chế ngoại lệ trong Quỹ lương dành riêng cho các nhân tài trong lĩnh vực Chuyển đổi số để các NHTM NN chủ động hơn trong việc thu hút nhân tài".

Thứ ba, Nghị định về sandbox đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ khoảng 2 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành, VietinBank đề xuất NHNN tích cực xúc tiến quá trình phê duyệt cơ chế sandbox, tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại có môi trường phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới an toàn, hiệu quả.

Chủ tịch VietinBank cho biết, 11 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng đạt được những kết quả sau:

- Tổng tài sản ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023.

- Dư nợ tín dụng tăng trưởng bền vững ngay từ đầu năm, đến 30/11 đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2023 (đến 10/12 tăng 14,8% so với năm 2023), tốc độ tăng trưởng thường xuyên duy trì ở mức cao hơn bình quân toàn ngành.

- Nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023 (đến 10/12 tăng 12,2% so với năm 2023), cân đối phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn thanh khoản.

- Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%, tuân thủ hạn mức kế hoạch (<1,8%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao.

- Hiệu quả sử dụng, quản trị chi phí được tối ưu, ưu tiên sử dụng chi phí trực tiếp cho các hoạt động thúc đẩy kinh doanh, chuyển đổi số và các dự án trọng điểm, CIR cả năm dự kiến khoảng 30%.

VietinBank không ngừng chuyển đổi mọi mặt hoạt động, thực hiện có kết quả các trọng tâm kinh doanh năm 2024 gắn với 4 trụ cột tăng trưởng trong trung dài hạn của ngân hàng là: (i) tăng trưởng thu nhập lõi, quản trị hiệu quả nguồn lực và chi phí, (ii) khai thác hiệu quả hệ sinh thái, (iii) triển khai có kết quả chuyển đổi số và (iv) tích hợp ESG, thúc đẩy phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt trụ cột chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ là động lực mới, giúp VietinBank nắm bắt cơ hội, trở thành ngân hàng hiệu quả hàng đầu và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số - xã hội số theo chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Chính phủ và NHNN.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục