Điểm tên những ngân hàng vừa được nới room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, không ít ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm room tín dụng, nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay trong dịp cuối năm. 
Điểm tên những ngân hàng vừa được nới room tín dụng

Cụ thể, ngày 28/11, NHNN tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp. Đây là lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm 2024 (lần 1 vào tháng 8/2024) với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Trong đó, có một số nhà băng đã được cấp thêm room tín dụng như: Nam A Bank, ACB, VIB, Techcombank, Vietinbank...

Cụ thể, tại Nam A Bank, Ngân hàng đã được NHNN nâng hạn mức tín dụng lần thứ 2 trong năm nay lên mức 18,4%. Trước đó, vào tháng 8/2024, Ngân hàng cũng được nâng hạn mức, nhờ đó đạt được tăng trưởng tín dụng 15,8% vào cuối quý III/2024, cao gấp 1,75 lần trung bình toàn hệ thống và nằm trong 4 ngân hàng có tốc độ cao nhất.

Ngoài Nam A Bank, trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) ước tính có 5 ngân hàng được nới room tín dụng trong lần cấp tín dụng lần thứ hai của NHNN trong ngày 28/11.

Trong đó, SHS ước tính VIB được NHNN cấp hạn mức bổ sung cao nhất với 3,2%, nâng hạn mức tín dụng của nhà băng này cho cả năm 2024 lên mức 21,6%, cao hơn 5,6% mức room tín dụng ban đầu. VietinBank được nâng room tín dụng từ 14% lên 16%; ACB được nâng room từ 18,4% lên 20,69%, VIB từ 18,4% lên 21,6%, Techcombank từ 18,5% lên 20% và MSB được nâng từ 16,3% lên 18,27%.

SHS đánh giá, việc được cấp thêm room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi nhu cầu tín dụng thường cao thời điểm cuối năm.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 diễn ra ngày 7/12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 29/11, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 11,9%, và đến ngày 07/12, chỉ tiêu tăng trưởng này đã đạt 12,5% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9%).

Với kết quả trên, hiện tổng dư nợ toàn nền kinh tế vào khoảng 15,3 triệu tỷ đồng, số huy động vốn đạt khoảng 14,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,36% so với đầu năm. Tổng dư nợ nền kinh tế khoản 15,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14,8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn.

Đánh giá về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra ở mức 15% trong năm nay, Phó thống đốc Tú cho biết: "Đây là con số định hướng trong điều hành, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay cùng với việc cuối năm là thời điểm giải ngân tích cực, chúng ta có thể tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%".

T.V

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục