TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ TP.HCM PHÁT HUY CÁC LỢI THẾ ĐẶC BIỆT
Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Theo ông, việc ra đời của Nghị quyết có ý nghĩa ra sao đối với Thành phố trong bối cảnh hiện tại?
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại.
Việc ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM không phải là ưu ái cho Thành phố, mà thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TP.HCM đối với cả nước.
Nghị quyết 98 là nghị quyết mới nhất và đầy đủ, toàn diện nhất, với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau, dựa trên 3 nguyên tắc chính, đó là quy định các nội dung để khơi thông tối đa các nguồn lực mà TP.HCM hiện có để có điều kiện phát triển; phân cấp, phân quyền thêm để TP.HCM chủ động, linh hoạt trong điều hành; cho phép thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, ngoài hệ thống luật chung áp dụng cho cả nước, mà hiện nay các tỉnh, thành phố khác đang thực hiện, để tạo điều kiện cho Thành phố phát huy các lợi thế đặc biệt của mình để vượt lên, bứt phá và phát triển.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi |
Đến nay, TP.HCM đã có những kế hoạch gì để triển khai thực hiện và lĩnh vực nào đã có sự chuyển biến rõ nhất từ Nghị quyết 98, thưa ông?
UBND Thành phố giao các đơn vị thực hiện 53 nhiệm vụ. Trong đó, danh mục phân công thực hiện nội dung nhiệm vụ trình HĐND Thành phố gồm 28 nhiệm vụ; danh mục phân công thực hiện nội dung nhiệm vụ trình UBND Thành phố gồm 25 nhiệm vụ.
Đến nay, HĐND Thành phố đã ban hành 16/28 nghị quyết theo nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, HĐND Thành phố ban hành 7 nghị quyết khác liên quan việc triển khai Nghị quyết 98. Với những nhiệm vụ tại Quyết định số 2856, UBND Thành phố đã hoàn thành 4/25 nhiệm vụ, tạm hoãn 1/25 nhiệm vụ, cho ý kiến đối với 20/25 nhiệm vụ. UBND Thành phố ban hành 4 quyết định triển khai Nghị quyết 98.
Các nội dung còn lại đang triển khai thực hiện theo tiến độ chỉ đạo và có đề xuất điều chỉnh thời gian trình, nội dung liên quan phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, một số nội dung cần điều chỉnh thời gian trình do liên quan nhiều lĩnh vực, cần thời gian để các đơn vị rà soát, đề xuất và được các sở, ngành báo cáo đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Trên các lĩnh vực, chuyển biến rõ nhất là về hạ tầng. UBND TP.HCM ban hành nhiều văn bản và thúc đẩy được sự chuyển động của nhiều dự án hạ tầng quan trọng, như tuyến đường Vành đai 3; Vành đai 4; tuyến Metro số 1, Metro 2; Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố; Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
LÊN KẾ HOẠCH THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC
Trên các diễn đàn, ông từng nhiều lần chia sẻ rằng, “khơi thông nguồn lực” là đặc điểm chính mà Nghị quyết 98 hướng tới. Ông có thể nói rõ, những nguồn lực nào cho TP.HCM có thể khơi thông từ Nghị quyết 98?
Thứ nhất, về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa, HĐND Thành phố đã ban hành nghị quyết quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với lĩnh vực y tế là 30 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa - thể thao từ 10 tỷ đồng đến 45 tỷ đồng (tùy dự án); lĩnh vực giáo dục - đào tạo từ 5 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng (tùy dự án).
Tháng 11/2023, HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết số 181/NQ-HĐND ban hành Danh mục Dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa gồm 41 dự án. Trong đó, lĩnh vực y tế có 6 dự án, lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 12 dự án, lĩnh vực thể thao, văn hóa có 23 dự án.
Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 7,5 - 8%
Năm 2024, Thành phố quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số và thực hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội. Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,5 - 8%.
Để đạt được mục tiêu trên, Thành phố đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Thành phố sẽ tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố theo Nghị quyết 98. Thành phố triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược...
Về các dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, đầu tháng 12/2023, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông - Vận tải là cơ quan chuẩn bị 5 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hình hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Đến nay đã có tờ trình về kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư các dự án trên.
Riêng với các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho TP. Thủ Đức, trong đó có việc thực hiện dự án nhóm B, nhóm C theo hình thức PPP. TP. Thủ Đức đang rà soát các vị trí đất công có tiềm năng, đảm bảo các tiêu chí thực hiện dự án theo hình thức PPP theo từng lĩnh vực để tổ chức mời gọi đầu tư sau khi đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với những cơ chế, chính sách mới có trong Nghị quyết, Thành phố sẽ có những thay đổi cụ thể gì trong ban hành chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư thời gian tới, thưa ông?
Nghị quyết 98 đã quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Quyết định ban hành mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược và mẫu hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư chiến lược tại Thành phố; trình UBND Thành phố theo quy định pháp luật.
Trong năm 2023, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được khoảng 5,85 tỷ USD, tăng 48,5% so với năm trước.
Khi các chính sách nêu trên phát huy hiệu quả trong các năm tới, dự kiến có các dự án quan trọng như Dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại Cần Giờ, các dự án tại Khu công nghệ cao Thành phố trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch điện tử, với tổng vốn đầu tư thu hút thêm dự kiến khoảng 8,6 tỷ USD...
HƯỚNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG XANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thưa ông, năm 2023, TP.HCM lấy tăng trưởng xanh làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế Thành phố, vậy phải chăng, phát triển xanh là một trong những hướng đi mới tạo động lực tăng trưởng cho Thành phố trong giai đoạn tới? Thành phố sẽ triển khai các giải pháp gì để hiện thực hóa mục tiêu này?
Tăng trưởng xanh không chỉ là mục tiêu, mà còn là một hành trình. Một hành trình mà chúng ta phải có sự hợp tác, sự đồng thuận và hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM cần học hỏi và áp dụng những bài học, kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia và địa phương tiên tiến trên thế giới, như Hà Lan, Nhật Bản, TP. Amsterdam (Hà Lan)…
Những bài học và kinh nghiệm quốc tế này có thể gợi ý cho Thành phố xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và lộ trình để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, xác định các lĩnh vực ưu tiên để áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực ưu tiên này phải phù hợp với đặc thù, nhu cầu và tiềm năng của TP.HCM và Việt Nam.
Hiện tại, Thành phố đã hoàn thành Khung chiến chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, với các trụ cột: hạ tầng xanh, nguồn lực xanh, hành vi xanh, lĩnh vực - địa bàn ưu tiên. Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện khung chính sách và các quy chuẩn, tiêu chuẩn tăng trưởng xanh.
Khi áp dụng các giải pháp để phát triển kinh tế Thành phố trở thành nền kinh tế xanh, cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
Thứ nhất, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, khung khổ pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện, hiện vẫn chưa có các cơ chế, chính sách, văn bản quy định cụ thể ở các ngành/lĩnh vực và lộ trình để thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, năng lực chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới của doanh nghiệp còn yếu. Hiện nay, 98% doanh nghiệp tại TP.HCM là vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu… Vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ, nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền Thành phố, cũng như sự tham gia của các đối tác có công nghệ cao trên thế giới.
Ngoài ra, tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành còn hạn chế và việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững còn khó khăn. Nguồn ngân sách tập trung vào chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ môi trường trong thời gian qua rất hạn chế, chưa có các chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, trực tiếp thu hút và dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đổi xanh.