Chủ tịch UBND TP.HCM: Cần chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng Đông Nam Bộ vì đây là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM góp ý về kịch bản tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ Chủ tịch UBND TP.HCM góp ý về kịch bản tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ

Chiều 26/11, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn, lấy ý kiến của các ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Góp ý về các kịch bản tăng trưởng kinh tế , Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, dự thảo quy hoạch đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng của vùng trong những năm tới và cần chọn kịch bản cao vì Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Chủ tịch TP.HCM cho rằng, vùng Đông Nam Bộ cần cơ chế đặc biệt, sự tiếp cận mang tính đột phá nên có thể đầu tư 30-50% nguồn lực Quốc gia cho vùng thì mới có được một đầu tàu phát triển và bứt tốc trong thời gian tới để sau đó vùng Đông Nam Bộ đóng góp trở lại cho cả nước.

"Từ đây đến năm 2030, Vùng có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng hai con số và mức tăng trưởng này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau", ông Mãi nhấn mạnh và cho rằng cần có cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng để đạt được mức tăng trưởng hai con số

Đối với phân vùng không gian kinh tế, theo ông Mãi cần có sự mở rộng không gian kinh tế của vùng Đông Nam Bộ theo hướng vùng nhận vai trò là đầu mối khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Từ đó lan tỏa ra các vùng khác và cả nước.

Về không gian đô thị, người đứng đầu Chính quyền TP.HCM cho rằng cần phát triển theo hướng đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng tri thức, sáng tạo, thông minh. Vì vậy, tứ giác TP.HCM – Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu cần được đặt lại cho đúng vị thế của một tứ giác năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và năng động tầm châu Á.

Cùng góp ý về kịch bản tăng trưởng kinh tế, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhìn nhận Vùng Đông Nam Bộ là cực tăng trưởng quan trọng nhất của cả nước nhưng những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của vùng thấp hơn mức trung bình cả nước.

Ông cho rằng đây là sự thất bại của vùng Đông Nam Bộ nên cần phải thay đổi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng của vùng bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng, kết nối quốc tế thông qua cảng trung chuyển, sân bay quốc tế. -Song song với việc đầu tư hạ tầng thì cần phát triển các loại hình dịch vụ mới như Trung tâm tài chính quốc tế để tạo sức sống mới cho nền kinh tế.

Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản cao như Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thì cần đảm bảo điều kiện về tài chính, thể chế và cần "cởi trói" bằng cơ chế đặc thù.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong quá trình xây dựng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, cần làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận quy hoạch cần bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử. Trong đó, con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa – lịch sử là động lực.

Việc huy động nguồn lực phải rất đa dạng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Cần kết hợp nguồn lực Trung ương và địa phương, Nhà nước và tư nhân.

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới với các cơ chế, chính sách nguồn lực phù hợp.

Về cơ cấu kinh tế, Thủ tướng cũng đề nghị quy hoạch vùng phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn. Trong đó, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch là trọng tâm; phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục