Chủ tịch UBCK Vũ Bằng: Chất lượng công ty chứng khoán ngày càng tăng

(ĐTCK) “Sau 15 năm phát triển cùng thị trường, tuy các CTCK đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đến nay chất lượng hoạt động đã tăng lên”, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trao đổi với Báo ĐTCK.
 
TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đâu là bức tranh hoạt động của khối CTCK đến thời điểm hiện tại sau 15 năm phát triển cùng TTCK, thưa ông?

Các CTCK sau một thời gian phát triển ồ ạt trong những năm 2006 - 2008 (từ 7 công ty khi thị trường mới đi vào hoạt động tăng lên 105 công ty vào năm 2009) đã trải qua giai đoạn 2008 - 2011 rất khó khăn, khi TTCK bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều CTCK thua lỗ, không đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính, cạnh tranh không lành mạnh...

Đến nay, sau một thời gian triển khai Đề án tái cấu trúc TTCK, hệ thống CTCK đã được cơ cấu lại theo hướng từng bước thu hẹp số lượng, thanh lọc các công ty hoạt động yếu kém, không hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự...

Đến 31/10/2014, số lượng CTCK hoạt động bình thường giảm còn 85 công ty. Nhân sự và chi nhánh cũng được cắt giảm: so với năm 2011, các CTCK đã đóng cửa 28 chi nhánh, 41 phòng giao dịch. Tính đến ngày 30/9/2014, khối CTCK có 114 chi nhánh, 37 phòng giao dịch và 4 văn phòng đại diện.

Chất lượng hoạt động của khối CTCK tăng theo hướng: vốn chủ sở hữu tăng (thêm gần 1.200 tỷ đồng); hoạt động quản trị rủi ro và kiểm soát an toàn tài chính được nâng cao theo các chuẩn mới.

Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM khai trương tháng 7/2000, nhưng đến thời điểm đó đã có 6 CTCK ra đời là BVSC, BSC, SSI, MBS, ACBS và Đệ Nhất  

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc khối CTCK của Bộ Tài chính, đâu là những kết quả đã đạt được, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK đã triển khai quyết liệt Đề án tái cấu trúc CTCK. Đến nay, công tác tái cấu trúc CTCK bảo đảm đúng lộ trình và yêu cầu đặt ra theo Đề án, một số mục tiêu hoàn thành trước kế hoạch.

Theo đó, chính sách ngày càng hoàn thiện, tạo lập được cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho TTCK nói chung và khối CTCK nói riêng. Ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động CTCK và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, UBCK đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để xử lý các công ty không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, từng bước thu hẹp số lượng CTCK.

Các giải pháp tự tái cấu trúc cũng được khuyến khích. Nhiều CTCK tự thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh không hiệu quả. Kết quả thống kê cho thấy tính, đến thời điểm hiện tại, có 8 CTCK rút nghiệp vụ môi giới, 2 công ty rút nghiệp vụ tự doanh, 4 công ty rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, 1 công ty rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán.

Kết quả hoạt động của các CTCK đã được cải thiện, số lượng công ty có lãi ngày càng nhiều và giá trị lãi đạt được tăng lên. Cụ thể, năm 2011, số lượng CTCK bị lỗ chiếm 53%, với tổng số lỗ 3.236 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2014, số lượng CTCK bị lỗ chỉ còn chiếm 24%, với tổng số lỗ 249 tỷ đồng.

UBCK có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc khối CTCK, thưa ông?

Thời gian tới, UBCK tiếp tục thực hiện triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc CTCK theo hướng đảm bảo sự ổn định của thị trường, không gây ra những xáo trộn lớn, đảm bảo quyền lợi của NĐT...

Ngoài rà soát, đánh giá lại hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK, xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc CTCK, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác tái cấu trúc, UBCK sẽ tiếp tục thực hiện phân loại, phân nhóm các CTCK, thực hiện kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng trường hợp để có biện pháp xử lý.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng của các CTCK trong việc tuân thủ 3 trụ cột: hệ thống chỉ tiêu an toàn tài chính (Thông tư 226/2010/TT-BTC); đánh giá, xếp loại CTCK (CAMEL); Quy chế quản trị rủi ro của CTCK, nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh như mục tiêu mà Bộ Tài chính, UBCK đề ra?

Những văn bản trên là 3 trụ cột chính để thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động CTCK. Thông tư 226/2010/2010TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đã đặt nền móng đầu tiên cho một hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao khả năng phòng vệ về tài chính cho các tổ chức tài chính trung gian. Kết quả cho thấy, Thông tư 226 đã giúp CTCK nhìn nhận được sức khỏe tài chính của mình, thúc đẩy công ty tự tái cấu trúc, nâng cao năng lực tài chính như tăng vốn, cơ cấu lại tài sản có rủi ro cao, giảm nghiệp vụ kinh doanh để đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính. Đồng thời, Thông tư 226 giúp cơ quan quản lý xác định các CTCK trong diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, từ đó tập trung nguồn lực xử lý những công ty yếu kém, đảm bảo hoạt động của khối doanh nghiệp này được an toàn, lành mạnh.

Về công tác quản trị rủi ro, cho đến nay, các CTCK đã triển khai quy chế này, đưa vào quản trị doanh nghiệp và thấy rõ hiệu quả trong hoạt động. Các CTCK đã lập bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận quản trị rủi ro và xây dựng chính sách quản trị rủi ro theo Quy chế, góp phần nâng cao năng lực quản trị, điều hành.

Quy chế CAMEL là trụ cột thứ ba trong hoạt động của CTCK, giúp CTCK theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty, được cảnh báo sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời đối với công ty hoạt động yếu kém, gặp nhiều rủi ro. Theo lộ trình thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK ban hành kèm theo Quyết định 62/2012/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì quy chế này đến năm 2015 mới ban hành và áp dụng. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, UBCK đã tập trung nghiên cứu, ban hành quy chế và đưa vào áp dụng từ năm 2014. Kết quả chấm điểm cho thấy, sự phân loại khá rõ ràng, phản ánh tương đối chính xác thực trạng về năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị điều hành của các CTCK. Năm 2014, trên cơ sở xếp loại CTCK theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013, UBCK đã bước đầu chọn các CTCK có mức xếp loại thấp để đưa vào danh sách đối tượng kiểm tra.

Được biết, UBCK đang xây dựng khung pháp lý về TTCK phái sinh, trong đó đưa ra những tiêu chuẩn rất cao đối với CTCK khi tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ. Vậy khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn này của các CTCK như thế nào?

Dự thảo Nghị định và Thông tư về TTCK phái sinh đã lấy ý kiến thành viên thị trường và đang trình Chính phủ. Chứng khoán phái sinh là sản phẩm bậc cao của thị trường, đòi hỏi các CTCK phải đảm bảo tiêu chuẩn về vốn chủ sở hữu, an toàn tài chính, công nghệ thông tin, nhân sự có chứng chỉ hành nghề cao hơn. Theo đó, các CTCK muốn tham gia cung cấp dịch vụ trên TTCK phái sinh phải tự tái cấu trúc về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất. Trong thời gian đầu, quy mô TTCK phái sinh còn nhỏ, nên số lượng CTCK tham gia cần hạn chế ở mức độ nhất định.

Nhận định của ông về triển vọng phát triển ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam nói chung và khối CTCK nói riêng trong thời gian tới?

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế trong nước sẽ tiếp tục hồi phục, triển vọng hội nhập và tăng trưởng khá tích cực. Quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và gắn với niêm yết, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DNNN sẽ tác động tốt đến TTCK.

Đầu tư nước ngoài cũng sẽ khả quan, với việc sửa Luật Đầu tư; rà soát, phân loại danh mục để mở rộng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài; giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xuống không quá 65%; cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của tổ chức, NĐT chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần; triển khai các sản phẩm mới như quỹ ETF, quỹ mở, quỹ bất động sản và tiến trình xây dựng TTCK phái sinh; nâng hạng TTCK theo tiêu chuẩn MSCI…

Triển vọng nêu trên cùng với định hướng và giải pháp phát triển TTCK tiếp tục được đẩy mạnh sẽ giúp TTCK Việt Nam phát triển ổn định, bền vững. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của dịch vụ chứng khoán nói chung, khối CTCK nói riêng.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục