Năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao (6,71%) và tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng cao trong quý đầu năm 2018 khi đạt tới 7,38%.
Quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát, tỷ giá ở mức ổn định, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức hợp lý… là những điều kiện cơ bản, tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường vốn - thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Cùng với những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2017 khởi sắc và khởi đầu 2018 hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực. Tính đến hết quý I/2018, với quy mô vốn hóa 160 tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp ở hạng thị trường cận biên, nhưng chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc và sức hấp dẫn ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có gần 2 triệu tài khoản giao dịch được mở, trong đó có trên 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 3/2018 đạt 37,6 tỷ USD. Trong khối công ty chứng khoán, có 5 công ty có vốn Hàn Quốc gồm Công ty Chứng khoán Korea Investment & Securities, Công ty Chứng khoán Mirea Asset Daewoo, Công ty Chứng khoán Shinhan Securities, Công ty Chứng khoán KB Securities và Công ty Chứng khoán Woori.
Các công ty chứng khoán này đã và đang cùng các ngân hàng thương mại và đại diện nhiều công ty quản lý quỹ của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc bắc cầu cho dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua.
Cũng liên quan đến thị trường chứng khoán, dự án mua sắm hệ thống công nghệ thông tin với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phục vụ công tác quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ toàn ngành chứng khoán Việt Nam cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ đưa vào vận hành năm 2019.
Tôi hy vọng, Hội nghị xúc tiến đầu tư của ngành tài chính tại Hàn Quốc tới đây sẽ thúc đẩy và thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai thị trường, thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc chảy mạnh hơn vào các doanh nghiệp, vào thị trường tài chính Việt Nam.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý mới, mà cụ thể là xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, theo hướng tăng tính chuẩn mực và tăng khả năng hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang và sẽ thúc đẩy việc ra đời các sản phẩm mới đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán để làm tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư.
Trong các sản phẩm sắp tới có chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch trong thời gian ngắn tới. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (bond futures) sẽ được đưa vào giao dịch trong năm 2018. Một số chứng khoán phái sinh khác đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào giao dịch trong năm 2019 và 2020, đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.
Để tăng tính bền vững của thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang và sẽ tập trung phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, hệ thống nhà tạo lập thị trường, đồng thời tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Dù còn nhiều rủi ro, thách thức khó lường trước, nhưng nhìn tổng thể, tôi thấy có đủ cơ sở để lạc quan về tương lai phát triển bền vững của thị trường vốn - thị trường chứng khoán. Tôi mong rằng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ tận dụng tốt cơ hội và thành công cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam.
Shinhan Bank sẽ góp sức kết nối vốn Hàn Quốc vào thị trường tài chính Việt
Ông Shin Dong Min, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Trước đây, khi chưa có sự hiện diện của ngân hàng lưu ký Hàn Quốc tại Việt Nam, các nhà đầu tư - đặc biệt là các định chế tài chính Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam, đều thông qua Ngân hàng lưu ký toàn cầu (Global custodian).
Quá trình này khiến cho mỗi quyết định đầu tư mất khoảng 2-3 ngày làm việc, bao gồm quá trình chuyển ngoại tệ, gửi chỉ thị và đặt lệnh giao dịch. Tuy nhiên, với sự ra đời của Dịch vụ lưu ký chứng khoán tại Ngân hàng Shinhan, khoảng thời gian này đã được rút ngắn đáng kể. Các nhà đầu tư tại Hàn Quốc sẽ chỉ cần làm việc trực tiếp với bộ phận lưu ký tại Hàn, gia tăng cơ hội đầu tư cũng như có thêm các lợi ích về giao tiếp, trao đổi bằng bản ngữ.
Hiện nay, bộ phận lưu ký tại Hàn Quốc đang ở vị trí dẫn đầu về số lượng khách hàng, bề dày kinh nghiệm và giá trị tài sản lưu ký. Thừa hưởng những lợi thế đó, Shinhan Bank Việt Nam, với vị thế là ngân hàng lưu ký Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam, mong muốn sẽ mang cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến những nhà đầu tư tại Hàn Quốc và thông qua đó, gia tăng dòng vốn từ đất nước này cho TTCK Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của mảng bán lẻ mà gần đây nhất là thương vụ mua lại thành công bộ phận bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam, Ngân hàng Shinhan mong muốn phát triển cả mảng ngân hàng giao dịch. Theo đó, dịch vụ chứng khoán là một trong những dịch vụ mũi nhọn cho chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam.
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính tới đây sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về đầu tư, cũng như giải đáp các thắc mắc thực tế từ nhà đầu tư Hàn Quốc. Chúng tôi (Shinhan Bank) cùng một số tổ chức tài chính như Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments, Dragon Capital, SSIAM, An Phát Holdings… sẽ góp sức kết nối dòng vốn Hàn Quốc chảy mạnh hơn vào thị trường tài chính Việt.
Hàn Quốc quyết tâm nâng kim ngạch hợp tác với Việt Nam lên mức 100 tỷ USD
Ông Yoo Kwang Yeol, Phó chủ tịch thứ nhất, Ủy ban tư vấn tài chính Hàn Quốc
Chúng tôi rất ấn tượng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017. Ở Hàn Quốc, chúng tôi từng trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh của nền kinh tế và được ghi nhận như “Kỳ tích sông Hàn”, thì tại Việt Nam, việc nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong tương lai dài hạn xứng đáng được ghi nhận như một “Kỳ tích Sông Hồng” - một dấu ấn phát triển mới của nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa, đặc biệt là ở việc rất coi trọng giá trị tri thức và truyền thống gia đình. Theo một khảo sát mới đây của Nhật Báo Hàn Quốc, cứ 10 người Việt Nam thì có 6 người thấy gần gũi với văn hóa Hàn Quốc. Thực tế này cũng phản ánh phần nào kết quả hợp tác của 2 quốc gia sau 25 năm chính thức kết nối quan hệ.
Từ mức quy mô thương mại chỉ 500 triệu USD vào năm 1992, đến năm 2017, kim ngạch thương mại, đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc đã lên tới 63,9 tỷ USD.
Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách “Hướng về phương Nam”, trong đó xác định rõ mục tiêu nâng kim ngạch thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời Việt Nam sẽ là quốc gia trọng tâm trong khu vực ASEAN nhận vốn đầu tư từ Hàn Quốc trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, thực tế, các dự án đầu tư từ Hàn Quốc tại Việt Nam chưa nhiều. Theo thống kê, hiện tại mới chỉ có chưa đầy 100 dự án đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam, thấp hơn con số đầu tư từ Trung Quốc hay Mỹ. Trong dấu ấn 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên đã thống nhất sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với nhiều chủ điểm hợp tác.
Trong lĩnh vực đầu tư, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều đến lĩnh vực như điện tử, năng lượng, phát triển nông nghiệp hiện đại, khởi nghiệp, sáng tạo, tài chính… Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam có sức hút lớn với dòng vốn từ Hàn Quốc. Tôi mong rằng, trong lĩnh vực tài chính, các bên sẽ tìm được nhau và cùng hợp tác tìm ra phương sách phù hợp để cùng phát triển và tiến ra thị trường tài chính toàn cầu.