Chủ tịch Akio Toyoda nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 3/6: “Với tư cách là người đứng đầu Tập đoàn, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng, những người yêu mến và các bên liên quan”. Lời xin lỗi này được đưa ra sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản thông báo sẽ tiến hành thanh tra trụ sở chính của Toyota ở tỉnh Aichi từ ngày 4/6 nhằm làm rõ các dấu hiệu gian lận.
Trong quá trình điều tra, 3 mẫu xe, trong đó có Corolla Fielder, sẽ tạm thời bị đình chỉ vận chuyển và bán ra thị trường sau khi phát hiện có dấu hiệu thiếu sót về dữ liệu thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe. Các hành vi gian lận của Toyota trải dài trên nhiều khâu và mẫu xe khác nhau, bao gồm túi khí của mẫu Crown và Isis không đúng thời gian kích hoạt, kiểm nghiệm va chạm không đúng trọng lượng đối với mẫu Sienta, và giả mạo kiểm tra công suất động cơ với mẫu Lexus RX.
Về nguyên nhân dẫn đến các hành vi gian lận, ông Toyoda cho biết sự thúc ép về thời gian giao hàng đã gây ra áp lực lớn, khiến doanh nghiệp phải rút ngắn thời gian và nhân lực để thực hiện đúng quy trình kiểm nghiệm an toàn. Với sản lượng hàng năm khoảng 10 triệu chiếc, Toyota gặp khó khăn trong việc duy trì thời gian giao hàng và kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt.
Ông Toyoda cũng nhấn mạnh, mặc dù các mẫu xe gian lận vẫn đáp ứng tiêu chuẩn chung của pháp luật, sự cố này đã làm suy yếu nền tảng của hệ thống chứng nhận chất lượng của Nhật Bản. Ông khẳng định Toyota đang tiến hành tiêu chuẩn hóa và sắp xếp lại quy trình để phát hiện lỗ hổng, dự kiến đến cuối năm mới có thể vận hành đồng bộ.
Hiện tại, hai dây chuyền sản xuất của Toyota Motor East Japan tại Nhà máy Toyota Miyagi Ohira và Nhà máy Toyota Iwate sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động và phải trải qua các cuộc thanh tra kéo dài đến cuối tháng 6. Khoảng 1.000 đại lý có thể bị ảnh hưởng về thời gian giao hàng, buộc Toyota phải đàm phán bồi thường với từng khách hàng.
Ông Akio Toyoda cam kết doanh nghiệp sẽ nỗ lực khởi động lại dây chuyền sản xuất càng sớm càng tốt, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra. Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù quy tắc chứng nhận kiểm tra có thể quá nghiêm ngặt, Toyota không dung thứ cho các vi phạm và sẽ sửa chữa bất kỳ sai lầm nào.Toyota cam kết sẽ khắc phục sự cố và nỗ lực lấy lại niềm tin của khách hàng trên toàn thế giới.
Cũng trong ngày 3/6, Tập đoàn Mazda và Honda đã công bố các vi phạm tương tự. Mazda dừng sản xuất 2 mẫu xe Roadster và Mazda 2 do sử dụng phần mềm kiểm tra động cơ không chính xác, còn Honda xin lỗi vì một số bài thử nghiệm không phù hợp với mức độ tiếng ồn trên một số mẫu xe cũ như Accord, Odyssey và Fit.