Chủ tịch tỉnh cho phép, cấp xã mới được ký thỏa thuận quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không nhiều đại biểu đăng ký tham gia, phiên thảo luận về dự án Luật Thoả thuận quốc tế tại Quốc hội chiều 22/10 nghỉ sớm hơn thường lệ.

Tuy vậy, các vị đăng đàn vẫn có quan điểm rất khác nhau về có nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã hay không.

Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã , trong đó có các xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện.

Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới, đồng thời để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký như: về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký kết thoả thuận quốc tế đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, nghe xong báo cáo, một số vị đại biểu tha thiết đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND xã khu vực biên giới.

Chính quyền cấp xã ở khu vực biên giới hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, quan hệ quốc tế thì sâu rộng, hướng tới tương lai, rất nhạy cảm và đa dạng, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phân tích.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị không nên giao cho cấp xã tiến hành ký kết các thỏa thuận quốc tế. Ông Nhưỡng cho rằng không nên đơn giản hóa vấn đề này bởi năng lực của cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới chưa đảm bảo tham gia sâu vào các thỏa thuận quốc tế.

Nhưng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lại có quan điểm khác, khi mà thực tế ở tỉnh này cho thấy ở cấp dưới của cấp xã còn có có những kết nghĩa rất hiệu quả, đã hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tuần tra cột mốc, quản lý biên giới, trong cứu hộ, cứu nạn, trong giao lưu giữa 2 bên biên giới và tăng cường đoàn kết hữu nghị, không chỉ đoàn kết ngoại giao về Nhà nước, về Đảng mà còn thực hiện ngoại giao nhân dân rất có hiệu quả.

Giải trình thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quan hệ với các nước láng giềng, nhất là khu vực biên giới là hết sức quan trọng. Và trong dự thảo đã quy định rất rõ là các nội dung được ký kết thỏa thuận của các UBND xã ở khu vực biên giới chỉ giới hạn trong một số nội dung như giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác quản lý biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

Thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh UBND xã ở khu vực biên giới này phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Minh cũng nói rõ hơn rằng, như thế, UBND tỉnh phải có trách nhiệm đối với các thỏa thuận này. Quy định này khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh trong quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Luật Thoả thuận Quốc tế sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, sau khi tiếp tục hoàn thiện.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục