Đề nghị cho phép Ban quản lý khu công nghiệp, cửa khẩu có thể ký kết thỏa thuận quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm ban quản lý khu công nghiệp, ban quản lý cửa khẩu, pháp nhân, tổ chức thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Đề nghị cho phép Ban quản lý khu công nghiệp, cửa khẩu có thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Chiều 22/10, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế .

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, để phù hợp với thực tiễn, nên bổ sung các pháp nhân, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có thể ký kết thỏa thuận quốc tế. Về ngôn ngữ, dự thảo luật quy định thỏa thuận quốc tế thể hiện văn bản bằng tiếng Việt, trừ có thỏa thuận khác.

“Chúng ta lại chấp nhận việc 'trừ có thỏa thuận khác' là phủ nhận luôn vế trước đã ghi. Đề nghị sửa lại là thỏa thuận trong văn bản quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng Anh và 2 bản có giá trị pháp lý như nhau”, ông Hưng cho biết thêm.

Cùng quan điểm về việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng cần bổ sung thêm chủ thể như ban quản lý khu công nghiệp, ban quản lý cửa khẩu…

“Ở Lạng Sơn, Ban quản lý cửa khẩu Lạng Sơn thường xuyên có các quan hệ trao đổi với nước bạn. Thực tế các chủ thể này đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép ký các thỏa thuận quốc tế như cơ chế gặp gỡ định kỳ… Việc mở rộng chủ thể là phù hợp với thực tế”, bà Loan nói.

Ngoài ra, bà Loan cho rằng, tại điều 13, 15, 17, 22 quy định về người có thẩm quyền quyết định có thể ủy quyền cho người khác ký kết thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định “người khác” là chưa chặt chẽ, có cách hiểu khác nhau nên cần nghiên cứu thêm.

Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định của dự thảo Luật không cho phép cá nhân Việt Nam ký kết thỏa thuận trong khi cá nhân nước ngoài là một trong những chủ thể ký kết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật quy định cá nhân nước ngoài là một trong những bên ký kết nước ngoài trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh năm 2007. Theo tổng kết thực tiễn thực hiện Pháp lệnh năm 2007 đến nay chưa phát sinh vướng mắc. Quy định này nhằm tận dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Theo dự thảo, Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

Bên ký kết Việt Nam bao gồm:

a) Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;

b) Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;

c) Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

đ) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh);

e) Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ;

g) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

h) Ủy ban nhân dân cấp huyện;

i) Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới;

k) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục